HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Người lao động được trang bị thêm kiến thức phòng tránh lừa đảo trực tuyến
Ngày đăng 06/05/2024 | 21:24  | Lượt xem: 66

Một điểm nữa có thể lưu ý đó là vay tín dụng đen không cần thế chấp mà vay bằng tín chấp, có một số app hiện nay không cần điều kiện gì chỉ cần cho phép truy cập danh bạ điện thoại hoặc mạng xã hội. Khi đến hạn, các tổ chức này thường sẽ “khủng bố, gây sức ép” với người vay thông qua cuộc gọi hoặc gửi tin nhắn gây áp lực buộc họ phải trả khoản vay với lãi suất rất cao.

Những tư vấn nhiệt tình, giải đáp thỏa đáng của các chuyên gia trong buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tìm hiểu về pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ); nhận diện lừa đảo trực tuyến và cách phòng ngừa” đã giúp cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động nắm rõ hơn, hiểu đúng hơn về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình; hạn chế xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, tạo môi trường làm việc dân chủ, gắn bó, cống hiến hết mình với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững.

Sáng 4/5, Báo Lao động Thủ đô phối hợp Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội tổ chức Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách năm 2024 với chuyên đề “Tìm hiểu về pháp luật lao động, ATVSLĐ; nhận diện lừa đảo trực tuyến và cách phòng ngừa”.

Trả lời câu hỏi của hơn 200 đoàn viên, người lao động ngành Công thương Hà Nội và bạn đọc là các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật, ATVSLĐ, an ninh mạng, gồm: Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an; Tiến sĩ Đỗ Thị Lan Chi, Phó Trưởng khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp (Trường Đại học Công đoàn); Luật sư Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest.

Chia sẻ cách phòng tránh lừa đảo trực tuyến, đặc biệt là qua cuộc gọi video, chuyên gia Đào Trung Hiếu cho hay: Các cuộc gọi video từ AI sẽ không tương thích giữa hình ảnh và giọng nói, chập chờn, đối tượng sẽ giải thích rằng do “sóng yếu”. Trước hết, không vội tin tưởng mà phải gọi điện cho người thân để kiểm chứng trước khi chuyển tiền hoặc nạp tiền.

Vị chuyên gia này cũng thông tin cho người lao động rõ hơn vấn đề liên quan đến tín dụng đen, việc vay qua app rất phổ biến trong công nhân lao động, nhiều trường hợp cần 1 khoản tiền gấp thì tìm đến vay qua app. Vậy như thế nào là tín dụng đen, hiện nay chúng ta chưa có văn bản pháp lý nào quy định rõ về vấn đề này, tuy nhiên có thể hiểu vay tín dụng đen là vay không chính thức tại các tổ chức, cá nhân không được pháp luật công nhận và có lãi suất cao. Theo quy định của pháp luật lãi suất cho vay không được quá 20% của khoản vay/năm, vay tín dụng đen thường cao gấp 5 lần quy định này.

Một điểm nữa có thể lưu ý đó là vay tín dụng đen không cần thế chấp mà vay bằng tín chấp, có một số app hiện nay không cần điều kiện gì chỉ cần cho phép truy cập danh bạ điện thoại hoặc mạng xã hội. Khi đến hạn, các tổ chức này thường sẽ “khủng bố, gây sức ép” với người vay thông qua cuộc gọi hoặc gửi tin nhắn gây áp lực buộc họ phải trả khoản vay với lãi suất rất cao.

Vì vậy, người lao động không hiểu nếu mắc vào vòng xoáy của tín dụng đen rất dễ dẫn đến nhiều vấn đề tiếp theo khác nhau. Do đó, về cơ bản, lực lượng công an vẫn luôn nhắn nhủ hãy hạn chế tối đa vướng vào tín dụng đen này. Trường hợp cần tiền gấp, nên hỏi vay họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp. Đặc biệt tổ chức Công đoàn Thủ đô có Quỹ hỗ trợ vốn công nhân nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình nhằm hỗ trợ cho người lao động vay để tăng gia sản xuất, thực hiện phát triển kinh tế gia đình.

Về câu hỏi người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế thì có phải đóng bảo hiểm xã hội không và được hưởng chế độ ốm đau như thế nào. Chuyên gia Phạm Ngọc Minh khẳng định: Nguyên tắc khi nghỉ ốm đau sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội và vẫn được hưởng theo bảo hiểm y tế. Trường hợp này, nếu vượt quá số ngày được nghỉ phép, người lao động có thể trao đổi với đơn vị, doanh nghiệp về các vấn đề như tạm dừng hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương...

Với thắc mắc của người lao động về giờ lao động, chuyên gia Phạm Ngọc Minh cho biết, theo quy định của luật, thời gian làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời gian làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết.

Ngoài quy định làm thêm giờ, mỗi doanh nghiệp có thể có thêm những ưu đãi, trợ cấp cho người lao động, đây là khoản bổ sung dựa theo quy chế tiền lương, tài chính của từng doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi đối thoại, đồng chí Nguyễn Chính Hữu - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội khẳng định an toàn và sức khỏe lao động là một vấn đề mang ý nghĩa to lớn đối với việc bảo toàn nguồn nhân lực, đồng thời có tác động trực tiếp tới hoạt động và hiệu quả của doanh nghiệp, đơn vị. Cùng với những hành động cụ thể của từng doanh nghiệp, từng đơn vị trong việc bảo đảm môi trường lao động an toàn, bảo vệ sức khỏe của người lao động thì việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy tắc, quy định pháp luật, kiến thức về an toàn lao động là điều cần làm thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề mang tính thời sự, thực tiễn, đó chính là tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng trở nên phức tạp. Một trong những nhóm đối tượng được tội phạm nhằm tới chính là người lao động. Do đó, việc nâng cao nhận thức của người lao động, cũng như tăng cường trách nhiệm của người sử dụng lao động, các cơ quan đơn vị có liên quan là rất cần thiết.

“Tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức pháp luật lao động, bảo đảm ATVSLĐ cho đoàn viên, CNVCLĐ. Đây cũng là cách tốt nhất để người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa”, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Ngọc Ánh