TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU

xác định các nhóm đối tượng dự kiến thực hiện “hộ chiếu vaccine”
Ngày đăng 10/04/2021 | 16:18  | Lượt xem: 263

Chiều 9/4, chủ trì cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nêu điều kiện cần thiết để có thể triển khai áp dụng "hộ chiếu vaccine" trong thời gian tới.

Ảnh VGP

 Các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia đã nghe báo cáo của Bộ Y tế, thảo luận về tình hình dịch bệnh thế giới và trong nước, các giải pháp căn cơ phòng chống dịch bệnh trong nước bảo đảm an toàn nhưng tận dụng thời gian để mở cửa, phát triển kinh tế.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết thế giới ghi nhận hơn 134 triệu ca mắc, trong đó trên 2,91 triệu ca tử vong. Ngày 7/4, thế giới có 108 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận ca mắc mới; 102 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca mắc mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng trở lại.

Tính đến ngày 7/4, có 13 vaccine được phê duyệt sử dụng ở một hoặc một số quốc gia và vùng lãnh thổ/EMA cấp phép; có 272 loại vaccine đang triển khai nghiên cứu.

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn đã trình bày đề xuất của Bộ Y tế về phương án triển khai “hộ chiếu vaccine” bao gồm nhóm đối tượng áp dụng, phương án giám sát, cách ly, theo dõi y tế…

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định mặc dù có vaccine, nhưng mấy ngày gần đây, trên thế giới đều ghi nhận hơn nửa triệu ca nhiễm mới, hơn 10.000 người tử vong mỗi ngày. Chúng ta phải tiếp tục tinh thần cảnh giác thật cao, đặc biệt qua đợt dịch thứ ba tâm lý trong xã hội nếu không siết lại sẽ lơi lỏng.

Vì vậy, ở trong nước vẫn phải thực hiện thật nghiêm các giải pháp phòng dịch bệnh. Từng người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú, bến xe… phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ, cập nhật thông tin lên Bản đồ chống dịch (antoancovid.vn). “Mặc dù quán triệt rất nhiều nhưng ngoài một số địa phương làm tốt thì cơ bản chưa ý thức hết, chưa làm tốt. Tới đây Ban Chỉ đạo phải trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc”, Phó Thủ tướng nhắc nhở

Tại cuộc họp, đề cập phương án áp dụng “hộ chiếu vaccine”, Bộ Y tế cho biết, hiện tại, các trường hợp khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly 14 ngày, xét nghiệm ít nhất 2 lần, lần 1 ngày đầu tiên khi cách ly, lần 2 vào ngày thứ 14 trước khi hết cách ly.

Công dân Việt Nam thuộc diện được đưa về nước do có hoàn cảnh đặc biệt (giải cứu) cách ly tập trung do quân đội quản lý hoặc cách ly tại khách sạn; chuyên gia, người nhập cảnh theo diện chuyến thăm, làm việc mục đích ngoại giao, công vụ cách tại khách sạn có trả phí; nhập cảnh theo diện cách ly ngắn ngày cũng đều phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày; các trường hợp đặc biệt khác do Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định.

Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 và tiến độ tiêm vaccine trên thế giới và tại Việt Nam, Bộ Y tế đề xuất các công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ có thỏa thuận song phương, đa phương với Việt Nam về “hộ chiếu vaccine” phải được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ xác nhận đã tiêm vaccine phòng Covid-19 theo khuyến cáo của WHO và Việt Nam đủ mũi, đúng lịch, theo hướng dẫn của nhà sản xuất; Đã được tiêm trong khoảng thời gian ít nhất 2 tuần và không quá 12 tháng kể từ ngày tiêm mũi vaccine cuối.

Những trường hợp xuất, nhập cảnh có sử dụng “hộ chiếu vaccine” cần phải có mã QR xác nhận hoặc xuất trình chứng nhận đã được tiêm vaccine xin phòng Covid-19 của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp công nghệ thông tin cho biết đã thực hiện đúng cam kết hoàn thành hệ thống hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, hoàn toàn thích ứng với quốc tế để chuẩn bị triển khai “hộ chiếu vaccine”.

Ban Chỉ đạo thống nhất tinh thần “mục tiêu kép” tranh thủ thời gian, bằng các giải pháp tổng lực để giữ an toàn nhưng đồng thời mở cửa và phát triển được.

Đây là cuộc chạy đua thời gian, chúng ta vừa dùng giải pháp tiêm vaccine trong nước, đồng thời kết hợp với các nước phân theo nhóm nước, nhóm đối tượng để có phương án cách ly, xét nghiệm, giám sát phù hợp, bảo đảm an toàn nhưng tận dụng thời gian quý giá, cơ hội để phục vụ phát triển kinh tế.

Cụ thể, nhóm đối tượng thứ nhất là người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài, trong điều kiện đã tiêm vaccine thì khi về nước, Bộ Y tế cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể những người về từ nước nào thì có biện pháp cách ly, theo dõi y tế phù hợp, ở mức cần thiết, theo hướng an toàn. Trong đó cần tính đến cả những doanh nhân Việt Nam có nhu cầu ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh.

Nhóm đối tượng thứ hai là những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Tuỳ từng nước, điều kiện, người này đã tiêm loại vaccine nào thì sẽ phải có quy định cụ thể về thời gian xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế.

Đối với nhóm đối tượng thứ ba là khách du lịch quốc tế. Bộ Y tế phối hợp Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình Ban Chỉ đạo phương án cụ thể lộ trình mở cửa du lịch. Hướng ban đầu là du khách từ các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng và nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng quản lý, kiểm soát được người vào đã an toàn, có quy định kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước.

Về phương án cách ly, Bộ Y tế đề xuất các trường hợp được phép nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện cách ly tập trung 7 ngày tại các cơ sở cách ly tập trung theo quy định, xét nghiệm 2 lần (lần 1 ngày đầu tiên sau khi nhập cảnh vào cơ sở cách ly, lần 2 vào ngày cách ly thứ 6). Trường hợp có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính, tiếp tục chuyển cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú trong thời gian 7 ngày, thực hiện xét nghiệm lần 3 vào ngày thứ 14; nếu âm tính, kết thúc quá trình cách ly.

Lắng nghe các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, cần xây dựng lộ trình mở cửa đón người nhập cảnh. Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kịch bản mở cửa rõ ràng trong thời gian sớm nhất.

TRÚC LINH