TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU

Bắt quả tang một cơ sở bơm tạp chất vào tôm
Ngày đăng 09/04/2021 | 08:28  | Lượt xem: 298

Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an thành phố Hà Nội vừa kiểm tra, bắt quả tang một cơ sở đang có hành vi bơm tạp chất vào tôm tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.

 

Bắt quả tang một cơ sở bơm tạp chất vào tôm
Cơ quan chức năng lấy mẫu tôm về kiểm nghiệm an toàn chất lượng. Ảnh: Ngô Hoàng.

 

Ông Nguyễn Bình Minh, Đội trưởng Đội Hành chính tổ chức (Thanh Tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), đêm 6-4, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra phát hiện 2 người tại cơ sở này đang thực hiện hành vi bơm tạp chất vào tôm.

Chất lỏng này tiêm vào tôm sẽ làm cho con tôm ươn sẽ trở nên căng đẹp và tươi hơn, đồng thời cũng làm trọng lượng của con tôm tăng lên.

1 con tôm sau khi bơm tạp chất sẽ tăng trọng lượng từ 10 - 15%. Vì thế, cứ 10kg tôm được bơm tạp chất bán ra thị trường thì đồng nghĩa trong đó có từ 1 - 1,5kg tạp chất.

Để bắt được tại chỗ cơ sở này bơm tạp chất vào tôm, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phải theo dõi trong nhiều tháng qua. Đây là cơ sở hoạt động chui, trung bình mỗi tháng cung cấp hàng tấn tôm bơm tạp chất ra thị trường.

Hiện nay, cơ quan chức năng đã lấy mẫu kiểm nghiệm để phân tích xem tạp chất đưa vào tôm là chất gì, đồng thời tịch thu toàn bộ dụng cụ tang vật liên quan.

Lực lượng chức năng sẽ tiếp tục điều tra làm rõ nhà hàng nào, cơ sở nào ở Hà Nội đã tiêu thụ tôm bơm tạp chất từ cơ sở này.

Cách phân biệt tôm bơm tạp chất

Theo các chuyên gia, để nhận biết tôm có bơm tạp chất hay không, người tiêu dùng cần chú ý đến các bộ phận sau:

- Hình dạng đuôi: Tôm bơm tạp chất thường xòe đuôi, trong khi tôm sạch thường cúp đuôi lại.

- Hình dáng thân tôm: Thân tôm bơm tạp chất thường mập mạp, căng bóng bất thường, thậm chí mập mạp đến nỗi giữa các đốt trên thân gần như bị giãn ra, nhất là phần nối giữa đầu và thân tôm. Tôm sạch thường có hình dáng tươi, giữa các đốt không bị giãn ra rõ ràng.

Nguy cơ ung thư từ thói quen ăn tôm bơm tạp chất: Làm thế nào để nhận biết? - Ảnh 5.

Thân tôm bơm tạp chất thường mập mạp, căng bóng bất thường.

 

- Mặt sau của tôm bơm tạp chất: Chân tôm thường nhợt nhạt, kém tươi, trong khi tôm sạch, không bơm tạp chất có màu sắc tươi tắn hơn.

- Đầu tôm: Tôm bơm tạp chất thường bị phù đầu, gai vểnh lên bất thường, trong khi tôm sạch có hình dạng đầu bình thường. Đặc biệt đầu và thân tôm bơm tạp chất có sự liên kết lỏng lẻo hơn vì thường sẽ được bơm tạp chất vào khúc nối thân và đầu này.

- Khi nấu ăn: Tôm bơm tạp chất thường ra nhiều nước, thịt tôm teo lại rõ rệt trong quá trình nấu nướng. Khi ăn, thịt tôm bơm tạp chất thường bở, có vị nhạt hơn bình thường. Nếu tôm bị bơm thạch rau câu, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm, nhất là ở phần đầu, dưới mang.

Chuyên gia lưu ý, chúng ta nên chọn những loại tôm tươi sống, tôm còn nhảy tanh tách khi mua hàng. Bạn cũng có thể chọn tôm nhỏ để ăn thay vì tôm to vì hầu như tôm nhỏ không thể bơm tạp chất được. Đối với những loại tôm đông lạnh nhất định phải quan sát kỹ các chi tiết như đầu, thân, đuôi tôm. Khi mua tôm nên kéo phần thân và phần đầu tôm ra để xem mức độ kéo giãn và xác định chính xác tôm có bơm tạp chất hay không. Nếu khớp nối chắc chắn thì là tôm không bơm tạp chất và ngược lại.

 

Hà Nguyên