TIN MỚI

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo mới tại các hội nhóm trên Telegram, Zalo
Ngày đăng 27/04/2024 | 06:17

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC, cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT) tiếp tục cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của các hội nhóm trên Telegram và Zalo.

Hình minh hoạ

Qua công tác giám sát, theo dõi phản ánh của người dùng trên hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số 5656, 156, gần đây, VNCERT/CC liên tục ghi nhận nhiều phản ánh từ người dân khi nhận được cuộc gọi lừa đảo từ các số điện thoại lạ, mời tham gia hội nhóm trên Telegram, Zalo để đầu tư tài chính với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dùng.

Đối tượng lập các sàn giao dịch, trang web giả mạo sàn giao dịch quốc tế, sau đó giao cho đội ngũ nhân viên telesale gọi điện mời chào nhà đầu tư tham gia các nhóm tư vấn, trao đổi qua Zalo và Telegram.

Sau khi nhà đầu tư tham gia nhóm, đối tượng và thành viên của nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện thuyết phục nhà đầu tư thực hiện các nhiệm vụ điểm danh nhận tiền, giao dịch đầu tư tài chính, mua bán tiền ảo, tiền mã hóa nhằm chiếm đoạt tài sản.

Sau khi giao dịch thành công, tội phạm sẽ thực hiện các biện pháp như chặn liên lạc, xóa mọi dấu vết của tài khoản đã sử dụng liên lạc.

Theo Trung tâm VNCERT/CC, đây là một dạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến trên điện thoại trong thời gian gần đây. Dù chiêu trò của các đối tượng không mới nhưng rất tinh vi, vì thế vẫn có nhiều người dùng mạng xã hội sập bẫy.

Do đó, Trung tâm VNCERT/CC khuyến cáo người dân cần cảnh giác, cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào, nhất là trên mạng; tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư;

Luôn luôn đề phòng trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công nghệ cao, đồng thời tích cực tố giác tội phạm tới cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời không để lại hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Telegram được xây dựng với một hệ thống giao tiếp vô cùng an toàn, tập trung vào quyền riêng tư, mã hóa và sử dụng mã nguồn mở cho phép những nhà phát triển có thể tự do chỉnh sửa, thiết kế và tạo ra các phiên bản mới với giao diện thân thiện với người dùng hơn. Với nhiều tính năng nổi trội hơn so với các ứng dụng khác, người dùng ngày càng dịch chuyển dần sang Telegram với hơn 31.5% người dùng internet tại Việt Nam ở độ tuổi 16-64 sử dụng Telegram. Người dùng tăng lên, đi kèm theo đó là tỉ lệ tội phạm lợi dụng nền tảng này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang có chiều hướng gia tăng.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, tội phạm lừa đảo diễn ra một cách công khai và thu hút nhiều người tham gia là do nền tảng này cho phép tạo các hội nhóm số lượng lớn thành viên hoàn toàn miễn phí; nội dung trên Telegram không bị kiểm duyệt; tin nhắn mã hoá đầu cuối; người gửi có thể xoá lịch sử trò chuyện 2 chiều. Đồng thời, với mã nguồn mở, các đối tượng lừa đảo có thể tạo nhiều tài khoản ảo, cò mồi, tham gia tung hứng, đưa thông tin giả, khiến cho người tham gia cảm giác luôn sôi động, có nhiều người kiếm được tiền hoặc giải thưởng.

Các chuyên gia an ninh mạng cho biết, sự xuất hiện của tiền mã hoá cũng là một trong những lý do để các tội phạm mạng chọn Telegram để hoạt động. Đối tượng chỉ cần viết ra một con bot để bán hàng, mọi thứ đều được thực hiện tự động. Người dùng muốn mua các dữ liệu cá nhân hay các phần mềm phát tán mã độc, chỉ cần gõ các dòng lệnh là hoạt động mua bán sẽ diễn ra. Bên cạnh đó, các giao dịch này được trả bằng tiền mã hoá như Bitcoin hay USDT, nên việc để tìm ra các đối tượng này đối với các cơ quan chức năng là một điều vô cùng khó.

D.Hà