LAO ĐỘNG - BẢO HIỂM

Hoàn tạm ứng tiền lương không phải là khấu trừ lương
Ngày đăng 11/04/2024 | 22:41  | Lượt xem: 70

Chưa đến kỳ hạn trả lương nhưng có nhu cầu gấp nên tôi muốn tạm ứng tiền lương thì có cần phải đáp ứng điều kiện gì không? Việc hoàn tạm ứng khi đến kỳ hạn trả lương có phải là khấu trừ tiền lương của người lao động hay không?

Trả lời

Theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật Lao động năm 2019, “người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc”.

Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ. Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).

Về kỳ hạn trả lương, Điều 97 của Bộ luật này quy định:

“1. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.

2. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương”.

Có nghĩa là, đến kỳ hạn trả lương theo thỏa thuận, người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động đầy đủ theo nguyên tắc nêu trên.

Việc tạm ứng tiền lương được hiểu là người lao động đề nghị và người sử dụng đồng ý về việc ứng trước một khoản tiền lương khi chưa đến kỳ hạn trả lương.

Cụ thể, Điều 101 của Bộ luật này quy định về tạm ứng tiền lương như sau:

“1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ”.

Có thể thấy, tạm ứng tiền lương do hai bên thỏa thuận, trừ trường hợp do pháp luật quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động, ví dụ người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên.

Người lao động có nghĩa vụ hoàn trả số tiền lương tạm ứng. Thông thường, đến kỳ hạn trả lương, số tiền lương mà người lao động nhận được sẽ bằng tiền lương theo thỏa thuận trừ đi số tiền lương đã tạm ứng.

Đó không phải là khấu trừ tiền lương. Bởi vì, theo khoản 1 Điều 102 của Bộ luật này, “người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật này”.

Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động. Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương...

Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.

Lưu ý, theo khoản 3 Điều này, “Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân”.

Thu Hường