LAO ĐỘNG - BẢO HIỂM

Xử phạt hành vi yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền
Ngày đăng 22/04/2024 | 10:04  | Lượt xem: 133

Công ty yêu cầu em muốn ký hợp đồng lao động thì phải nộp một khoản tiền bảo đảm cam kết làm việc ít nhất đến khi hết thời hạn thỏa thuận. Họ nói rằng công việc dự kiến tuyển dụng khó, mức lương ưu đãi và quan trọng là pháp luật không cấm người sử dụng lao động đưa ra yêu cầu này.

Em cần công việc nhưng thực sự khoản tiền bảo đảm quá lớn so với khả năng tài chính của em. Điều em muốn biết là họ có quyền yêu cầu như vậy hay không?

Trả lời

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động được quy định tại Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019, bao gồm:

“1. Phân biệt đối xử trong lao động.

2. Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.

3. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

4. Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.

5. Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

6. Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

7. Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật”.

Đúng là pháp luật lao động hiện nay không quy định việc người sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, tại Điều 17 của Bộ luật này quy định hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động gồm có:

“1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động”.

Tóm lại, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền cho việc giao kết và thực hiện hợp đồng lao động.

Nếu vi phạm, theo khoản 2 Điều 9 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ, người sử dụng lao động có hành vi “Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động” (được định danh tại điểm b khoản này) bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

Thêm nữa, tại điểm đ khoản 3 của Điều này quy định biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc người sử dụng lao động trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này”.

Lưu ý, mức phạt tiền nêu trên, theo Điều 6 của Nghị định này áp dụng cho cá nhân, với tổ chức vi phạm, “bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”. Có nghĩa là, doanh nghiệp “buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động” bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm, khoản 3 Điều 48 của Nghị định này quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

“a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định này; 

c) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Chương IV Nghị định này;

d) Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV, trừ hình thức xử phạt bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 32 Nghị định này; 

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này”.

Như vậy, người sử dụng lao động có hành vi buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động được quy định tại khoản 2 Điều 9 và căn cứ Điều 6 nêu trên thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh đủ thẩm quyền để xử phạt.

Hùng Phi