Giải đáp pháp luật

Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề đối với cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp
Ngày đăng 28/04/2024 | 16:11

Gia đình em làm nông nghiệp, có đất bị thu hồi nhưng không thuộc diện được bồi thường về đất nông nghiệp mà bồi thường bằng tiền thì có được hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề hay không? Nếu được thì mức hỗ trợ cụ thể là bao nhiêu?

Trả lời

Về nguyên tắc, người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo quy định của pháp luật còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ. Việc hỗ trợ phải bảo đảm khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định của pháp luật.

Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở; Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở…

Theo khoản 1 Điều 84 Luật Đất đai năm 2013, “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm.

Trường hợp người được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề thì được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề; được tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh”.

Căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ. Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Hướng dẫn cụ thể nội dung này, khoản 1 Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ quy định Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thì được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định sau đây:

“a) Hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương theo quy định tại Điều 129 của Luật đất đai;

b) Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ điều kiện thực tế của địa phương”.

Trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải tổ chức lấy ý kiến và có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của người có đất thu hồi.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người thu hồi đất nông nghiệp.

Để được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, người lao động bị thu hồi đất phải có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 3 Nghị định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

“1. Có nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm;

2. Trong độ tuổi lao động”.

Người lao động bị thu hồi đất được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có Quyết định thu hồi đất.

Tham gia đào tạo nghề, theo khoản 1 Điều 5 của Nghị định này, người lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ như sau:

“a) Đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng: Được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 09 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng;

b) Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng: Được hỗ trợ học phí cho một khóa học.

Mức học phí được hỗ trợ bằng mức thu học phí thực tế của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng tối đa không quá mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập theo quy định của pháp luật.

Kinh phí hỗ trợ được bố trí từ kinh phí đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm trong phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm và được tính trong tổng kinh phí của dự án đầu tư hoặc phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được duyệt;

c) Vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên”.

Người lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách này.

Tóm lại, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm. Có nhu cầu và tham gia đào tạo nghề, người lao động được hỗ trợ một lần với mức nêu trên.

Thu Hường