Giải đáp pháp luật

Có nhiều bản di chúc thì bản di chúc nào sẽ có hiệu lực?
Ngày đăng 29/03/2024 | 15:54

Mẹ tôi mất sớm. Ba tôi thay mẹ nuôi nấng và chăm sóc 4 anh chị em tôi (02 trai, 02 gái). Cách đây mấy năm, khi thấy tuổi đã cao, ba tôi có lập di chúc để lại 02 căn nhà ở quê và 01 căn nhà ở Thành phố cho 4 anh chị em. Tuy nhiên, năm 2023,

 ba tôi thay đổi ý định và lập di chúc để lại 02 căn nhà ở quê cho hai người anh trai tôi, còn 01 căn nhà ở Thành phố cho 04 anh chị em tôi, tất cả hai bản di chúc trên đều có công chứng đàng hoàng. Vừa qua, do bệnh nặng nên ba tôi mất. Tôi muốn hỏi là trong hai bản di chúc thì di chúc nào có hiệu lực pháp luật? 

Trả lời:

- Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.

- Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Di chúc như sau: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

- Điều 640 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như sau:

1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

- Khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hiệu lực của di chúc như sau: “Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực”.

Theo quy định của pháp luật thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật. Đối với trường hợp của Anh/Chị thì di chúc mà ba của Anh/Chị lập sau cùng là di chúc có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015.