TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM

Phòng tránh hiệu quả bệnh Thủy đậu
Ngày đăng 26/03/2024 | 12:18  | Lượt xem: 69

Ngày 26-3, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua (từ ngày 15 đến 22-3), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 44 ca mắc thuỷ đậu (tăng 21 ca so với tuần trước đó). Trong đó có một số huyện có nhiều bệnh nhân như Mê Linh với 12 ca, Thanh Trì (8 ca) và Mỹ Đức (6 ca).

 

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 246 ca mắc thuỷ đậu (giảm 364 ca so với cùng kỳ năm 2023). Dù vậy, theo CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc thuỷ đậu có thể gia tăng trong thời gian tới.

Do đó, thời điểm này được xem là “mùa” của thuỷ đậu do vi rút gây bệnh sinh sôi và phát tán nhanh chóng khi độ ẩm trong không khí tăng cao. Bệnh thường diễn biến lành tính, nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách và điều trị cẩn thận, người bệnh có nguy cơ mắc các biến chứng nặng nề như viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết…, thậm chí tử vong.

Bệnh thủy đậu hay còn gọi được gọi với tên khác là trái rạ, đây là căn bệnh do virus Varicella Zoster Herpes gây ra. Bệnh có thể xuất hiện vào bất cứ thời gian nào trong năm và với bất cứ ai. Tuy nhiên vào thời tiết mùa xuân, trời nồm sẽ tạo điều kiện cho virus phát triển mạnh mẽ và đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ em do khả năng đề kháng yếu.

Bệnh thủy đậu sẽ lây lan qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với da người bệnh. Khi một người bị bệnh thủy đậu chỉ cần ho, hắt hơi, sổ mũi,...thì virus sẽ theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài khiến cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân sẽ bị lây nhiễm.

Triệu chứng bệnh Thủy đậu

Các biểu hiện của bệnh thủy đậu: Thời gian ủ bệnh là khoảng 2 -3 tuần, thông thường từ 14-16 ngày từ lúc bị nhiễm vi rút đến lúc phát  bệnh. Người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Ban đỏ mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da nên có thể thấy chúng ở nhiều mức độ khác nhau từ nốt sẩn, bọng nước trong, bọng nước đục hoặc đóng vẩy. Người bị bệnh Thủy đậu có thể nổi từ vài mụn nước cho đến hàng trăm mụn nước trên cơ thể. Thời kỳ lây truyền là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày. Nếu không có biến chứng, các mụn nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng mụn nước có thể để lại sẹo.

Biến chứng của bệnh Thủy đậu

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng cũng có thể gây ra biến chứng từ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước đến nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan…, một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

 Phụ nữ mang thai mắc bệnh Thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.

 Khi bị thủy đậu phải làm sao?

Thủy đậu là bệnh dễ mắc phải và lây lan nhanh chóng, vì thế bị thủy đậu phải làm sao là thắc mắc của không ít người. Thời gian khỏi bệnh phụ thuộc rất lớn vào chế độ sinh hoạt và chăm sóc cá nhân của từng người. Do vậy để bệnh nhanh khỏi và hạn chế tối đa những biến chứng, bạn nên lưu ý những điều sau:

Điều trị hiệu quả

Để thủy đậu nhanh chóng mất đi thì bạn không nên chữa trị tại nhà mà hãy đến gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán. Trường hợp bạn bị dị ứng với thành phần nào của thuốc thì hãy thông báo ngay với bác sĩ.

Đối với trẻ em sức đề kháng yếu, khi bị thủy đậu bên cạnh lên các nốt mụn sẽ kèm theo hiện tượng sốt. Vì thế có thể sử dụng thuốc giảm sốt không chứa aspirin như acetaminophen có thể làm giảm triệu chứng sốt. Ngoài ra có thể dùng thuốc trị dị ứng, kem thoa như calamine,...

Bên cạnh đó, với những người có nguy cơ nhiễm trùng cao, hoặc người bị suy giảm hệ miễn dịch có thể sử dụng thuốc kháng virus để giảm biến chứng do thủy đậu gây ra.

Khi bị thủy đậu, nên lưu ý

- Nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để tránh cọ xát vào nốt mụn.

- Tuyệt đối không tự ý mua thuốc mà hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

- Hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh bệnh lây lan.

- Bổ sung các vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tăng sức đề kháng, chống chọi lại bệnh.

. Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu an toàn, hiệu quả

Thủy đậu là căn bệnh lây lan, truyền nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp và qua đường hô hấp. Để phòng ngừa bệnh hiệu quả và an toàn đó là thực hiện tiêm phòng vacxin phòng ngừa thủy đậu. Đặc biệt là đối với những người chưa từng bị thủy đậu hoặc trẻ nhỏ và phụ nữ có kế hoạch mang thai cần tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe.

Theo thống kê, có hơn 90% người  tiêm vắc xin thủy đậu đã phòng tránh được bệnh. Vì thế hãy chủ động bảo vệ sức khỏe của mình và người thân trong gia đình bằng cách tiêm vắc xin ngừa thủy đậu.

Đối với trẻ em:

Nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.

Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.

Dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.

Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh.

Lưu ý: Tránh làm vỡ các nốt thuỷ đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.

Nên đưa người bệnh mắc thủy đậu đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Các biện pháp phòng bệnh

Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc xin đều có thể mắc bệnh. Thông thường người lớn mắc bệnh nặng hơn ở trẻ em. Mọi người đều phải chủ động phòng bệnh thủy đậu bằng cách tránh tiếp xúc với người bị bệnh và tiêm vắc xin phòng bệnh. Không tiêm vắc xin thủy đậu khi đang sốt hoặc bị bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, người mẫn cảm với các thành phần của vắc xin, người bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, phụ nữ đang mang thai.

Để phòng lây lan bệnh thủy đậu trong cộng đồng, người lớn mắc bệnh phải nghỉ làm tránh tiếp xúc với người khác, trẻ nhỏ mắc bệnh phải nghỉ học từ 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh cho đến khi các nốt bọng nước khô vảy hoàn toàn; sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng như khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 9/, tăng cường vệ sinh cá nhân; vệ sinh phòng ở của người bệnh, đồ vật nhiễm mầm bệnh hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

THANH LAM