TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo 'hỗ trợ' cài đặt sinh trắc học
Ngày đăng 04/07/2024 | 06:23  | Lượt xem: 45

Đã xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ để “hỗ trợ” cài đặt sinh trắc học và thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ 1-7, các giao dịch trên 10 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học khuôn mặt. Để việc chuyển khoản online được thông suốt, nhiều người cố gắng cập nhật sinh trắc học trước thời hạn nói trên song gặp khó khăn khi thao tác trên các ứng dụng ngân hàng.

Lợi dụng điều này, các kẻ xấu đã mạo danh cán bộ ngân hàng gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua Zalo, Facebook với khách hàng… lừa hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.

Kể xấu yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ, thậm chí có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ.

Chưa dừng lại, chúng đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại.

Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân thì chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.

Để tránh bị lừa đảo trong quá trình cập nhật sinh trắc học, các chuyên gia khuyến cáo người dùng cần lưu ý: Các ngân hàng không trực tiếp liên hệ với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học, vì vậy tuyệt đối không cung cấp mã OTP, mật khẩu ngân hàng số... cho bất kì ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Người dùng không truy cập các đường link lạ được gửi qua chat, tin nhắn hoặc thư điện tử (email).

Lực lượng chức năng đề nghị cán bộ, công nhân viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin về các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao để có thông tin đầy đủ về phương thức thủ đoạn của tội phạm.

Cần chủ động bảo vệ thông tin cá nhân của mình cũng như người thân, coi đó là tài sản riêng hợp pháp, không khai báo thông tin cá nhân trong những trường hợp không cần thiết;

Thực hành thói quen sử dụng mạng an toàn, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường phải có ý thức tự bảo vệ như thực hiện đổi mật khẩu tài khoản, thông báo cho bạn bè, người thân biết việc tài khoản riêng của mình có thể bị xâm nhập trái phép để tránh bị lừa đảo.

Nhanh chóng đến cơ quan công an gần nhất để trình báo trong trường hợp bị chiếm đoạt tài sản.

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, nhiều loại giao dịch trực tuyến của khách hàng cá nhân sẽ phải áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học bằng thông tin khuôn mặt (Facepay) từ ngày 1/7. Cụ thể, giải pháp xác thực bằng sinh trắc học được áp dụng cho các giao dịch sau: Kích hoạt lần đầu dịch vụ ngân hàng số hoặc đổi thiết bị sử dụng; giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng giao dịch; giao dịch có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng; giao dịch thanh toán trên 100 triệu đồng; các giao dịch chuyển tiền nước ngoài, yêu cầu mua bán ngoại tệ (không phân biệt giá trị giao dịch).

Để xác thực khuôn mặt khi giao dịch, trước đó khách hàng cần đăng ký dữ liệu sinh trắc học với ngân hàng. Theo hướng dẫn của các ngân hàng, người dùng có thể chủ động thực hiện đăng ký dữ liệu sinh trắc học trên smartphone theo ba bước: Chụp ảnh mặt trước và sau của căn cước công dân (CCCD) gắn chip; Quét NFC (Chuẩn kết nối không dây Near-Field Communication) trên CCCD gắn chip; Quét gương mặt và xác thực OTP.

THANH LAM