tin tức - sự kiện

Truyền thông về hội nhập quốc tế cần hướng đến phổ biến tri thức cho người dân
Ngày đăng 26/04/2024 | 11:41  | Lượt xem: 62

Chiều 25/4 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị Tập huấn truyền thông về công tác hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024, nhằm cung cấp thông tin định hướng và làm phong phú nội dung tuyên truyền trên các báo, tăng cường hiểu biết cho người dân.

Hội nghị có sự tham dự của các phóng viên, biên tập viên chuyên trách về hội nhập quốc tế, ASEAN và UNESCO đến từ nhiều cơ quan thông tấn báo chí.

Hội nghị Tập huấn Truyền thông Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024 diễn ra chiều 25/4 tại Hà Nội.

Hội nghị Tập huấn truyền thông Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều 25/4 tại Hà Nội.

Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông: Hội nghị nhằm cung cấp thông tin định hướng và làm phong phú nội dung tuyên truyền trên các cơ quan báo chí, qua đó góp phần tăng cường hiểu biết cho người dân về quá trình Việt Nam tham gia, đóng góp vào các hoạt động hội nhập quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: triển khai truyền thông về các hoạt động liên quan đến ASEAN và UNESCO là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngoại giao Việt Nam. Những thông tin chuyên sâu thảo luận tại hội nghị là nguồn tài nguyên hữu ích, phục vụ công tác đưa tin, nâng cao chất lượng bài viết về công tác đối ngoại. “Làm sao để tuyên truyền sâu hơn, hay hơn, trúng, đúng và đáng tin cậy hơn về hiểu biết xung quanh cộng đồng ASEAN và các chủ đề UNESCO”, ông Triệu Minh Long phát biểu.

Ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập quốc tế, ASEAN và UNESCO ngày 25/4. Ảnh: Thùy Dương

Tại hội nghị, các diễn giả đã thông tin đến các đại biểu 5 chuyên đề: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đối ngoại sau Đại hội Đảng lần thứ XIII. Tình hình thế giới và khu vực, những tác động và ảnh hưởng đến Việt Nam; Chương trình công tác của Ủy ban Quốc gia về UNESCO và các tiểu ban – trọng tâm ưu tiên trong công tác truyền thông; Bảo tồn Khu dự trữ sinh quyền thế giới Cù Lao Chàm – Hội An gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Thành tựu xây dựng Cộng đồng ASEAN, vai trò và vị trí của ASEAN trong cục diện toàn cầu và quan hệ với các đối tác ngoại khối. Trọng tâm hợp tác ASEAN giai đoạn tới và định hướng tham gia của Việt Nam; Hợp tác ASEAN trong lĩnh vực Thông tin truyền thông – tầm nhìn 2035: “Truyền thông: Từ thông tin đến tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng”.

Theo ông Vũ Duy Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại (Bộ Ngoại giao): Trong các kết quả, thành tựu chung của đất nước năm 2023, công tác đối ngoại được đánh giá là điểm sáng ấn tượng. Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản...

Trong bối cảnh cục diện thế giới đang đứng trước thời điểm bước ngoặt, dịch chuyển nhanh hơn sang cục diện đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc”, cùng với đó là tính bất ổn, bất định và bất trắc gia tăng, Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ASEAN, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc trước những vấn đề nóng trong khu vực và thế giới. Báo chí - truyền thông cần chọn lọc thông tin để đưa đến độc giả, lưu ý giữ nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền dân tộc, đồng thời nêu cao tính hòa bình, nhân đạo. Đáng chú ý, cần phát huy chính sách đối ngoại năng động, cân bằng, linh hoạt và khôn khéo của Việt Nam vào công tác truyền thông. Đây vốn là điểm sáng được dư luận quốc tế đánh giá cao khi nói về ngoại giao Việt Nam, góp phần duy trì tốt mối quan hệ của nước ta với tất cả các nước lớn trên thế giới, chú trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

Theo ông Triệu Minh Long, tầm nhìn ASEAN 2035 sẽ lấy tri thức là động lực, chuyển đổi số tạo thêm giá trị, trao quyền và cải thiện đời sống cho người dân “mạnh mẽ”, “tự cường” và “năng động”.

Trước đó, Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN (AMRI) lần thứ 16 diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 9/2023 với chủ đề “Truyền thông: từ thông tin đến tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng” đã xác định vai trò, sứ mệnh và mở ra không gian mới cho lĩnh vực thông tin truyền thông trong ASEAN. Đó là biến thông tin thành tri thức hữu ích để hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao sinh kế và đời sống cho người dân, giảm thiểu tác động của thông tin tiêu cực là nhu cầu bức thiết hiện nay, ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, trong đó có ASEAN.
"Các cơ quan báo chí cần thay đổi phương thức sản xuất nội dung và đưa tin: không chỉ cung cấp các thông tin thời sự đến độc giả mà qua đó còn có trách nhiệm nâng cao nhận thức, kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng số, phổ biến tri thức cho người dân. Ngoài thông tin thời sự, sự kiện, cần có các bài phân tích, đánh giá nhiều chiều về các sự kiện", ông Triệu Minh Long khuyến nghị.

Tại hội nghị, các diễn giả cũng đã trao đổi với đội ngũ phóng viên, biên tập viên về số vấn đề như: tầm nhìn năm 2035 trong lĩnh vực thông tin truyền thông ASEAN, chi tiết chương trình công tác của Ủy ban Quốc gia về UNESCO và các tiểu ban với trọng tâm ưu tiên trong công tác truyền thông, thông qua ví dụ điển hình về tuyên truyền bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…

Những thông tin do các diễn giả cung cấp tại hội nghị sẽ góp phần làm phong phú nội dung tuyên truyền, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm báo chí của các cơ quan truyền thông báo chí.

Thùy Dương