tin tức - sự kiện

Chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội
Ngày đăng 05/05/2024 | 13:43  | Lượt xem: 95

Chưa có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp từng bước khắc phục việc chậm đóng và chưa xử lý được vướng mắc khi doanh nghiệp chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH nhưng vẫn phát sinh và duy trì nghĩa vụ nộp thuế

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 12, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 142 điều (tăng 6 điều).

Về điều kiện người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ hai mươi năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần (điểm đ khoản 1 Điều 74 và điểm đ khoản 1 Điều 107), ngoài các trường hợp giải quyết hưởng BHXH một lần tương tự quy định tại Điều 60 của Luật BHXH hiện hành, dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội hai phương án.

Đa số ý kiến trong quá trình chỉnh lý, góp ý dự thảo Luật cho rằng Phương án 1 do Chính phủ trình có ưu điểm như: Cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội (không làm ảnh hưởng nhiều đến khoảng 18 triệu người đang tham gia BHXH); Hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về BHXH; Hạn chế được tình trạng một người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần thời gian qua (giai đoạn 2016 - 2022 đã có gần 25% số lượt người rút BHXH một lần đã rút từ 2 lần trở lên).

Về lâu dài, nếu quy định theo Phương án 1 sẽ góp phần giúp tăng số người được thụ hưởng các chế độ của BHXH từ chính quá trình tích lũy thông qua tham gia BHXH của mình và giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách nhà nước sau này khi phải cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội. Điểm hạn chế của Phương án 1 là còn có thể có sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực.

Tuy nhiên, dự thảo Luật được xây dựng theo hướng cải cách mang tính cách mạng nhằm thể chế hóa toàn diện quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW nên sẽ không thể tránh khỏi việc có sự khác nhau giữa các nhóm đối tượng trước cải cách và nhóm đối tượng sau cải cách.

Về chậm đóng BHXH bắt buộc, trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lý, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về việc áp dụng các chế tài xử lý, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: Chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn bởi vì việc áp dụng chế tài này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dừng mọi hoạt động kinh doanh, không còn cơ hội tạo nguồn thu và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp và vô hình chung cũng sẽ ảnh hưởng tới cả người lao động, thậm chí khiến cho người lao động mất việc làm, mất nguồn thu nhập.

Bên cạnh đó, cũng chưa có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp từng bước khắc phục việc chậm đóng và chưa xử lý được vướng mắc khi doanh nghiệp chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH nhưng vẫn phát sinh và duy trì nghĩa vụ nộp thuế.

Dự thảo Luật cũng quy định chế tài tạm hoãn xuất cảnh theo hướng dẫn chiếu quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và  bổ sung khoản 2 Điều 140 để sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 theo hướng bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh như sau: “d) Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện cho tổ chức đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BHXH”.

Phát biểu ý kiến về việc chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, về nội dung quy định liên quan đến điều kiện hưởng BHXH một lần, mục tiêu đặt ra là giữ chân được người lao động, hạn chế tối đa việc rút BHXH một lần nhưng vẫn bảo vệ đầy đủ quyền, lợi ích của người lao động.

Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên ngành, nghiên cứu sâu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, qua đó thấy rõ, mỗi phương án đều có nhưng ưu điểm, khuyết điểm đặc thù, tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, quy định như Phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn, phù hợp hơn với tình hình hiện tại.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các đại biểu cũng như đại diện các cơ quan hữu quan nhằm đảm bảo dự án Luật đạt chất lượng cao, đáp ứng đúng các mục tiêu đề ra. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, các ý kiến này sẽ là cơ sở để tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện dự thảo luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.

Mai Chi