TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU

Bỏ quy định giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người đã thành niên nghiện ma túy
Ngày đăng 22/10/2020 | 14:17  | Lượt xem: 1134

Đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc không bị coi là việc xử lý hành chính nên chỉ quy định trong Luật Phòng, chống ma túy mà không quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngày 22-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp, tập trung vào 6 nhóm vấn đề cụ thể.

Trong đó, đáng chú ý, về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, trên cơ sở thực tiễn thi hành, Chính phủ đã đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực mà theo quy định hiện hành có mức phạt tiền tối đa thấp, chưa đủ sức răn đe, chưa thực sự tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Đối với một số lĩnh vực khác được các vị đại biểu Quốc hội đề nghị như hôn nhân và gia đình, an ninh trật tự, an toàn xã hội, đất đai, xây dựng..., qua tổng kết thi hành không thấy có vướng mắc, bất cập liên quan đến quy định về mức phạt tiền tối đa. Do vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo trước Quốc hội

Về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy được quy định theo hướng cơ bản kế thừa các quy định của Luật hiện hành, đã được thực hiện ổn định từ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đến nay, đồng thời chỉnh lý để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với nội dung dự kiến sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy.

Theo đó, đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp xử lý hành chính, được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; chỉnh lý quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp này (khoản 1 Điều 96) để tránh phát sinh mâu thuẫn do dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); đồng thời, bỏ quy định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người đã thành niên nghiện ma túy.

Đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc không bị coi là việc xử lý hành chính nên chỉ quy định trong Luật Phòng, chống ma túy mà không quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trên cơ sở rà soát, đối chiếu với các quy định có liên quan của Bộ luật Hình sự, dự thảo Luật đã bỏ quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên nhiều lần thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép… vì những trường hợp này đã được Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm.

Đồng thời, không quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi vi phạm hành chính về an toàn giao thông đường bộ, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác và hành vi gây thiệt hại cho tài sản của người khác để tránh trùng lặp, bảo đảm phù hợp, tương xứngvới tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm.

Về chức danh có thẩm quyền xử phạt, Dự thảo Luật đã bổ sung thẩm quyền xử phạt của Kiểm toán nhà nước để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Kiểm toán nhà nước; chỉnh lý quy định về thẩm quyền xử phạt của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật Cạnh tranh...

“Đối với việc bổ sung thẩm quyền xử phạt của Viện kiểm sát nhân dân cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ khi sửa đổi toàn diện Luật Xử lý vi phạm hành chính”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật bổ sung thêm 8 nhóm chức danh (chủ yếu thuộc các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc ở cấp tỉnh hoặc liên tỉnh) có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện; các chức danh khác có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt theo thẩm quyền.

Vấn đề còn nhiều tranh luận khác nhau là bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhiều ý kiến đề nghị không bổ sung biện pháp cưỡng chế “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”. Bên cạnh đó, một số ý kiến tán thành bổ sung biện pháp này là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Một số ý kiến đề nghị bổ sung biện pháp này là biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, do còn có ý kiến khác nhau, dự thảo Luật thể hiện 2 phương án theo 2 loại ý kiến nêu trên để tiếp tục xin ý kiến Quốc hội.

Điểm mới đáng chú ý nữa la Dự thảo Luật bổ sung 4 trường hợp tạm giữ người, trong đó có trường hợp “tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”.

Mai Chi