TIN MỚI

Cần có cơ chế đặc thù, đột phá trong phát triển giao thông Thủ đô
Ngày đăng 02/05/2024 | 09:17

Kiến trúc hệ thống giao thông thông minh ITS Hà Nội gồm 4 thành phần chính là: Người dùng ITS, phương tiện giao thông tích hợp thiết bị thông minh, cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và trung tâm điều hành, giám sát giao thông Thành phố.

Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa khảo sát thực tế lĩnh vực giao thông công cộng trên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, mỗi ngày, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận chuyển khoảng 37.000 khách với 80% hành khách sử dụng vé tháng, góp phần giảm tải lưu lượng phương tiện giao thông trong giờ cao điểm. TS Vũ Hồng Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, hiện nay đường sắt đô thị vẫn đang được điều chỉnh bởi Luật Đường sắt và các nghị định có liên quan. Cơ chế hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, do đó cần có cơ chế đặc thù, đột phá để phát triển, quản lý, vận hành đường sắt đô thị.

Đoàn khảo sát đánh giá, việc đưa vào hoạt động tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã tạo thuận lợi trong việc thay đổi ý thức, thói quen của người dân về sử dụng phương tiện công cộng, từ đó góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong, thông qua buổi khảo sát đã thấy được những vướng mắc về mặt chính sách, giúp cho Đoàn giám sát và rộng hơn là Quốc hội xem xét xây dựng, sửa đổi quy định pháp luật về giao thông nói chung và giao thông công cộng nói riêng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, trong đó có các quy định phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Từ đó, Hà Nội cần có ý kiến, kiến nghị từ thực tiễn để quy định cụ thể vấn đề này trong luật.

Cũng liên quan đến phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng đang được đề cập trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân”.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hạ tầng giao thông của thành phố Hà Nội đã quá tải trầm trọng, đặc biệt là khu vực nội đô và các tuyến đường trục xuyên tâm. Điều này đặt ra yêu cầu phải giảm thiểu phương tiện cá nhân, đầu tư cho vận tải hành khách công cộng. Trong đó, mạng lưới đường sắt đô thị phải là xương sống của hệ thống giao thông công cộng.

Trong tham luận gửi đến hội thảo, ông Lê Hùng Lân và Lê Xuân Trường - Trường Đại học Giao thông vận tải nhìn nhận, tại Hà Nội, đường sắt đô thị đã được quy hoạch và đang được triển khai xây dựng. Khi đi vào vận hành sẽ có rất nhiều kỹ thuật công nghệ hiện đại được ứng dụng, đây là cũng là một bộ phận quan trọng thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giao thông thông minh.

Trên cơ sở định hướng của chính quyền Thành phố, đề xuất tầm nhìn của hệ thống giao thông thông minh, có tính hiện đại, hướng tới con người và thân thiện môi trường, với các mục tiêu cụ thể là “An toàn, hiệu quả”, “Tăng cường kết nối”, “Phát triển bền vững”.

Kiến trúc hệ thống giao thông thông minh ITS Hà Nội gồm 4 thành phần chính là: Người dùng ITS, phương tiện giao thông tích hợp thiết bị thông minh, cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và trung tâm điều hành, giám sát giao thông Thành phố. Trong đó, phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị là một bộ phận cấu thành và là bộ phận rất quan trọng để phát triển hệ thống ITS của Thành phố.

Còn theo GS.TS. Phạm Văn Ký và ThS. Lương Văn Vịnh, phải tạo thuận lợi cho hành khách dễ dàng đi tàu, ra vào nhà ga, chuyển tuyến... thì người dân mới sử dụng phương tiện giao thông công cộng, từ đó mới thu hút được nhiều nhà đầu tư cùng góp vốn xây dựng đường sắt.

Muốn đạt được điều này, quy hoạch đường sắt trong đô thị cần: Định nghĩa lại khái niệm đường sắt đô thị; tập hợp các chỉ tiêu kỹ thuật chung của các tuyến, chỉ ra các tuyến đường sắt chủ đạo, có tính liên kết rộng rãi, để các tuyến khác có thể theo đó mà nối dài thêm; tính toán bố trí vị trí một số ga lớn dùng chung cho mạng lưới đường sắt nội - ngoại ô (đường sắt quốc gia) và mạng lưới đường sắt đi trên cao, đi ngầm khác theo từng thời kỳ đầu tư xây dựng.

Đồng thời cần đưa ra giải pháp phát huy nguồn lực từ đất (đổi đất lấy hạ tầng) bao gồm quy hoạch hai bên tuyến đường mới (kể cả cắt qua khu dân cư). Khu vực các tuyến phố mới sẽ được quy hoạch hai bên với chiều rộng thay đổi trên cơ sở lấy các đường ngõ cũ làm ranh giới, tránh tình trạng nhà cửa của dân bị cắt xén, tránh tình trạng nhà cửa méo mó. Trong khu vực này, tuyến đường sắt sẽ ở giữa, làm đường phố mới ở hai bên đường sắt, xây dựng một quần thể dịch vụ tổng hợp từ nhà chung cư cao tầng (kể cả phục vụ tái định cư), văn phòng, siêu thị...

Mai Chi