lĩnh vực khác

Nhà thờ họ có được coi là cơ sở tín ngưỡng hay không?
Ngày đăng 25/07/2022 | 15:28  | Lượt xem: 1085

Vừa qua, được sự cho phép của chính quyền địa phương, con cháu dòng họ Trần Gia đã đóng góp cùng nhau xây dựng nhà thờ họ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con cháu trong dòng họ đến dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên những ngày Giỗ và ngày kỷ niệm.

Là con cháu của dòng họ Trần Gia, tôi xin hỏi: Nhà thờ họ có được coi là cơ sở tín ngưỡng hay không? Hoạt động của nhà thờ họ có được xem là hoạt động tín ngưỡng không? Và nếu đây là hoạt động tín ngưỡng thì phải  bầu người đại diện và đăng ký như thế nào? 

TRả lời:

- Khoản 2, Khoản 4 Điều 2 Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

 Cơ sở tín ngưỡng là nơi thực hiện hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng như đình, đền, miếu, nhà thờ dòng họ và những cơ sở tương tự khác”.

- Điều 11 Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định về người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng:

“1. Cơ sở tín ngưỡng phải có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động diễn ra tại cơ sở tín ngưỡng.

2. Người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín trong cộng đồng dân cư.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức để cộng đồng dân cư bầu, cử người đại diện hoặc thành viên ban quản lý. Căn cứ kết quả bầu, cử và các điều kiện quy định tại khoản 2 nêu trên, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản công nhận người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày bầu, cử.

4. Việc bầu, cử người đại diện hoặc thành lập ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

5. Việc bầu, cử người đại diện hoặc thành lập ban quản lý nhà thờ dòng họ không phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 nêu trên”.

- Điều 12 Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định đăng ký hoạt động tín ngưỡng như sau:

“1. Hoạt động tín ngưỡng của cơ sở tín ngưỡng phải được đăng ký, trừ cơ sở tín ngưỡng là nhà thờ dòng họ.

2. Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng chậm nhất là 30 ngày trước ngày cơ sở tín ngưỡng bắt đầu hoạt động tín ngưỡng, trừ trường hợp quy định tại Điều 14 của Luật này.

Văn bản đăng ký nêu rõ tên cơ sở tín ngưỡng, các hoạt động tín ngưỡng, nội dung, quy mô, thời gian, địa điểm diễn ra hoạt động.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đăng ký hợp lệ; trường hợp từ chối đăng ký phải nêu rõ lý do.

3. Hoạt động tín ngưỡng không có trong văn bản đã được đăng ký thì người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm đăng ký bổ sung theo quy định tại khoản 2 nêu trên chậm nhất là 20 ngày trước ngày diễn ra hoạt động tín ngưỡng”.

Đối chiếu với quy định của pháp luật thì nhà thờ dòng họ là cơ sở tín ngưỡng; hoạt động thờ cúng tổ tiên là hoạt động tín ngưỡng. Theo đó, người đại diện hoặc thành lập ban quản lý nhà thờ dòng họ chỉ cần đáp ứng điều kiện là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín; không cần phải qua các thủ tục tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Hoạt động tín ngưỡng của nhà thờ dòng họ không phải đăng ký hoạt động tín ngưỡng.

Như Quỳnh