HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Quy định về thăm nuôi con sau ly hôn
Ngày đăng 05/05/2021 | 19:49  | Lượt xem: 755

Do mâu thuẫn không thể hàn gắn nên vợ chồng tôi ly hôn khi con gái 03 tuổi. Khi đó, chúng tôi thỏa thuận và thống nhất là con gái ở với mẹ bên nhà ông bà ngoại. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi ly hôn tôi có tới thăm con gái nhưng vợ cũ và gia đình không cho tôi gặp con.

Tôi đến trường học thăm cháu thì được biết cháu mẹ cháu đã được chuyển cháu sang trường khác. Tôi cố gọi điện cho mẹ cháu thì cô ấy nói từ nay không cho tôi gặp con và không có quyền được thăm con. Vậy, đề nghị cho tôi biết pháp luật quy định vấn đề thăm nuôi con sau khi ly hôn như thế nào? 

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cha mẹ có nghĩa vụ và quyền như sau:

“1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

Khoản 1 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cha mẹ có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng: “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

Khoản 1 Điều 72 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập; Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con”.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con... không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền của cả hai vợ chồng và vợ chồng đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Do đó, hành vi của vợ cũ và gia đình nhà vợ của anh khi ngăn cản anh thực hiện quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con là hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Theo Điều 53 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau như sau: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đi với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau”.

Nếu vợ cũ và gia đình nhà vợ của anh tiếp tục ngăn cản anh thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con thì anh có quyền trình báo với cơ quan công an, chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp, giải quyết.

 Như Quỳnh