HỘ TỊCH - QUỐC TỊCH

Xử lý hành vi không đăng ký thường trú cho con
Ngày đăng 24/12/2023 | 22:58  | Lượt xem: 101

Vợ em mới sinh con được khoảng 1 tháng và vì có kế hoạch khi cháu cứng cáp hơn sẽ chuyển nơi ở đến gần chỗ làm, nên vợ chồng em chần chừ chưa muốn đăng ký hộ khẩu cho con.

Xin hỏi các anh chị, liệu không đăng ký hộ khẩu cho cháu như vậy thì có vi phạm và bị xử phạt hay không?

Trả lời

Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú. Trong đó, nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú; nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

Điều 12 Luật Cư trú năm 2020 quy định về nơi cư trú của người chưa thành niên như sau:

“1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi do cha, mẹ thỏa thuận; trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định.

2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác, với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định”.

Như vậy, về nguyên tắc và thông thường trên thực tế, nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ.

Điều 9 của Luật này cũng quy định nghĩa vụ của công dân về cư trú như sau:

“1. Thực hiện việc đăng ký cư trú theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, giấy tờ, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, giấy tờ, tài liệu đã cung cấp.

3. Nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí”.

Theo khoản 5 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020, “Đăng ký cư trú là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú”.

Việc đăng ký thường trú, hay còn gọi là đăng ký hộ khẩu cho cháu bé do bố mẹ cháu thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Trong các trường hợp công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 của Luật này. Đó là “vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con”.

Để đăng ký thường trú cho con, vợ chồng bạn cần chuẩn bị hồ sơ được quy định tại khoản 2 Điều 21 của Luật này, bao gồm:

“a) Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;

c) Giấy tờ, tài liệu chứng minh các điều kiện khác quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 20 của Luật này”.

Nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú là bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, pháp luật về cư trú quy định trình tự, thủ tục đăng ký cư trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà; việc quản lý cư trú phải bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả. Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú.

Vợ chồng bạn phải đăng ký thường trú cho con để đảm bảo nghĩa vụ công dân về cư trú. Thêm nữa, đó cũng là để đảm bảo quyền lợi của cháu. Bởi vì, khoản 1 Điều 5 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình”.

Vi phạm nghĩa vụ này, theo điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, “không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú” bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Hùng Phi