HÌNH SỰ

Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm cho bị cáo không kháng cáo
Ngày đăng 10/04/2024 | 21:19  | Lượt xem: 172

Tôi được biết là Tòa chỉ mở phiên phúc thẩm khi có kháng cáo, kháng nghị. Tuy nhiên, vừa rồi có một vụ án hình sự được xét xử phúc thẩm, trong đó có cả bị cáo không kháng cáo. Thêm nữa, Hội đồng xét xử còn sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm hình phạt cho bị cáo không kháng cáo này thì có đúng hay không?

Trả lời

Khoản 1 Điều 27 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm như sau: “Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này. Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật.

Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật”.

Như vậy, về nguyên tắc nếu Bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định thì có hiệu lực pháp luật. Nói cách khác, để mở phiên tòa phúc thẩm phải có kháng cáo, kháng nghị từ đương sự hoặc bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.

Tính chất của xét xử phúc thẩm được quy định tại Điều 330 Bộ luật này. Đó là:

“1. Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

2. Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này”.

Thông tin của bạn cho thấy, mặc dù bị cáo không kháng cáo, nhưng các bị cáo khác kháng cáo hoặc trường hợp có kháng nghị. Cho nên, Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa sơ thẩm xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm.

Theo khoản 1 Điều 357 của Bộ luật này, khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:

“a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;

b) Áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;

c) Giảm hình phạt cho bị cáo;

d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;

đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;

e) Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo”.

Bên cạnh đó, theo khoản 2 của Điều này, trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể:

“a) Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp;

b) Tăng mức bồi thường thiệt hại;

c) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn;

d) Không cho bị cáo hưởng án treo.

Nếu có căn cứ thì Hội đồng xét xử vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại”.

Đặc biệt, tại khoản 3 của Điều này nêu rõ: “trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị”.

Tóm lại, để mở phiên tòa phúc thẩm bắt buộc phải có kháng cáo, kháng nghị. Trường hợp bị cáo kháng cáo Bản án, quyết định sơ thẩm, khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm hình phạt cho bị cáo.

Đối với bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị, có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Hùng Phi