GÓC NHÌN

Năm 2020, số lượng các VBQPPL được ban hành giảm so với trung bình các năm trước
Ngày đăng 14/01/2021 | 16:53  | Lượt xem: 574

Trong năm 2020, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành giảm so với trung bình các năm trước đó.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020. Đây là một sáng kiến của VCCI, nhằm định kỳ hàng năm ghi lại bức tranh pháp luật kinh doanh của Việt Nam trong mỗi sáu tháng hoặc một năm.

Trên cơ sở ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội và nghiên cứu của nhóm nghiên cứu, Báo cáo đã điểm lại một số quy định pháp luật đáng chú ý trong năm 2020.

Trong năm 2020, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành giảm so với trung bình các năm trước đó. Theo Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, trong năm 2020, các cơ quan nhà nước tại Trung ương đã ban hành 546 VBQPPL.

Lễ công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020 

Trong số đó có 17 luật, 158 nghị định, 39 quyết định của Thủ tướng, 310 thông tư của các Bộ trưởng và một số văn bản khác. So với các năm trước thì số lượng luật, nghị định và quyết định của Thủ tướng không có thay đổi lớn, nhưng số thông tư giảm mạnh. Trong 17 bộ thường xuyên có văn bản liên quan đến doanh nghiệp được thống kê thì có 15 bộ có số thông tư giảm so với năm 2019, chỉ duy nhất hai bộ có số thông tư tăng là Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tính cho giai đoạn 5 năm, từ 2016 đến 2020, các cơ quan Trung ương đã ban hành tổng cộng 71 luật, 745 nghị định, 232 quyết định của Thủ tướng, và 2.422 thông tư và nhiều văn bản khác.

Trong năm 2020, ba luật là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, có tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh.

Luật Đầu tư 2020 được cho là đã giải quyết phần lớn những mâu thuẫn, chồng chéo trong trình tự thủ tục đầu tư giữa Luật này và các luật chuyên ngành khác. Bên cạnh đó, Luật này cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến ưu đãi đầu tư nhằm đảm bảo tính đồng bộ giữa các văn bản pháp luật cùng quy định về vấn đề này.

Luật Đầu tư 2020 tiếp tục bãi bỏ thêm một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tuy số lượng ngành nghề được bãi bỏ chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp, nhưng việc rút ngắn thêm danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (từ 243 xuống còn 227) đã thể hiện được quyết tâm, nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy “quyền tự do kinh doanh”.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng nêu, việc Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung thêm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh trong khi những lý giải về việc cấm kinh doanh ngành nghề này chưa thực sự thuyết phục, cũng tạo ra những băn khoăn về chính sách trong cộng đồng doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp 2020 tiếp tục có những bước cải cách trong các thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, quy định mới về doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp không còn phải thực hiện thông báo mẫu dấu, có thể sử dụng dấu “số” thay cho dấu “truyền thống”, thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử), sửa đổi một số quy định liên quan đến quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến.

Tuy nhiên, theo Báo cáo, một điểm “nuối tiếc” của Luật Doanh nghiệp đó là chưa thể luật hóa được hộ kinh doanh. Đây là chủ thể kinh doanh quan trọng trong nền kinh tế, giải quyết gần 8000 lao động, tạo ra 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, chiếm khoảng 30% GDP1 nhưng lại chưa được đánh giá đúng về vị trí, vai trò so với các chủ thể kinh doanh khác.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã khu biệt 5 lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP nhằm tập trung nguồn lực, quy định về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu (cơ chế chia sẻ với tỷ lệ cố định 50%-50% cho hai bên; điều kiện cho việc chia sẻ phần giảm doanh thu); mối quan hệ giữa Nhà nước – nhà đầu tư; dừng thực hiện các dự án BT trong thời gian tới.

Đây là đạo luật được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp cho các nhà đầu tư tránh được rủi ro trong trường hợp thay đổi chính sách, đồng thời tăng tính hấp dẫn cho các dự án đầu tư cũng như đảm bảo cho việc thực hiện dự án thành công.

Bảo Khánh