GÓC NHÌN

Cần sửa đổi toàn diện Luật phòng chống tham nhũng năm 2005
Ngày đăng 13/07/2016 | 00:00  | Lượt xem: 96

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng (PCTN) chưa đúng mức; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của xã hội và nhân dân trong PCTN; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ là những thông tin đáng chú ý tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng, do Văn phòng Chính phủ tổ chức hôm qua 12-7.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng (PCTN) chưa đúng mức; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của xã hội và nhân dân trong PCTN; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ là những thông tin đáng chú ý tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng, do Văn phòng Chính phủ tổ chức hôm qua 12-7.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, qua 10 năm thi hành Luật PCTN, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được đẩy mạnh, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý. Tuy vậy, bên cạnh đó, công tác PCTN cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém như thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn bất cập; công khai, minh bạch còn hạn chế, chưa xóa bỏ được cơ chế “xin, cho”.

Đến nay, tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập đúng thời hạn đã đạt 99,5%, công khai đạt tỷ lệ 98,3%. Qua 10 năm, Thanh tra Chính phủ cho biết đã xác minh được 4.859 trường hợp, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Ngoài ra, còn có 70 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập. 10 năm qua, có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng, có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý.

Trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất. Số tiền đã thu hồi cho nhà nước là 4.676,6 tỷ đồng và trên 219 ha đất. Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt.

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Theo VGP/Lê Sơn

 

Việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên do việc điều tra án tham nhũng rất phức tạp và khó khăn. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được, tiêu xài hoang phí nên không còn khả năng khắc phục hậu quả. Mặt khác, do các cơ quan chức năng chưa quyết liệt, triệt để trong việc kê biên, xử lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; một số vụ án gặp khó khăn khi phải thu hồi tài sản ở nước ngoài... Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng mới chủ yếu chú trọng việc chứng minh hành vi phạm tội, chưa kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản, dẫn đến khi tuyên bản án, tài sản hầu như đã bị tẩu tán hết, không còn điều kiện để thi hành.

Các qui định về bảo vệ người tố cao tham nhũng nhìn chung chỉ mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể và nằm phân tán trong nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý khác nhau  cũng là nguyên nhân cơ bản khiến cho thực tế đấu tranh phòng chống tham nhũng, người tố cáo vẫn e ngại, sợ sệt và không tích cực hợp tác với cơ quan nhà nước trong kiểm tra,  xác minh và xử lý tố cáo. Theo thống kê của Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, kể từ khi có Luật tố cáo năm 2011, các cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận 699 yêu cầu bảo vệ của người tố cáo, trong đo có 99 yêu cầu bảo vệ trong các vụ việc tham nhũng. Trong đó, chỉ khoảng 1/3 số yêu cầu được tiến hành, trong đó có 21 trường hợp liên quan đến tham nhũng.

Đáng quan tâm, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng cũng không phản ánh đúng thực tế. Trong 10 năm, cả nước mới chỉ có 918 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 118 trường hợp; xử lý kỷ luật 800 trường hợp. Theo ông Nguyễn Văn Sáu, nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý và các qui định pháp luật trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn chống tham nhũng có hiệu quả phải coi trọng công tác phòng ngừa, trong đó, phải khắc phục được các bất cập qua 10 năm thực thi Luật PCTN và sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Ban soạn thảo Luật PCTN (sửa đổi) nghiên cứu đầy đủ các hạn chế, vướng mắc để chọn lọc, tiếp thu và đưa vào Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi). Giải pháp được đưa ra là phải sửa đổi toàn diện Luật PCTN năm 2005, trong đó chú trọng về công tác phòng ngừa, đặc biệt là hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập cũng như hợp lý hóa việc công khai bản kê khai.

Bảo Khánh