Giải đáp pháp luật

Vi phạm trong tiếp thị bán hàng bị xử phạt như thế nào?
Ngày đăng 08/11/2024 | 21:48

Là nhân viên tiếp thị của Công ty V chuyên bán các sản phẩm giày thể thao. Để tăng doanh số bán hàng, anh M thường xuyên gọi điện giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Biết chị H gần đây đang tìm hiểu về mặt hàng mà mình đang bán,

M thường xuyên gọi điện cho chị H để tư vấn, giới thiệu sản phẩm. Thấy anh M gọi điện nhiều lần trong ngày, chị H đã tỏ thái độ khó chịu và không nghe máy, tuy nhiên anh M vẫn cố tình gọi điện đến khi chị H bắt máy mới thôi, có lúc còn gọi cả vào buổi tối. Chị H cảm thấy rất bực mình và chị đề nghị cho biết hành vi của anh M có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử lý như thế nào?  

Trả lời:

- Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại”.

- Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

“….. Tổ chức, cá nhân kinh doanh bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây: …Quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp trái với ý muốn của người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh, đề nghị giao kết hợp đồng hoặc có hành vi khác gây cản trở công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng;…”.

- Điều 59 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về hành vi vi phạm về quấy rối người tiêu dùng như sau:

“Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với thương nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

1. Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên.

2. Có hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng”.

- Điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí quy định: Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 68, Điều 70, khoản 6, 7, 8, 9 Điều 73 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 của Nghị định này. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.”

Như vậy, hành vi của anh M nhân viên Công ty V đã gọi điện thoại nhiều lần trong ngày cho chị H để tiếp thị sản phẩm, trái với ý muốn của chị H thậm chí còn gọi điện vào ban đêm ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của chị H là đã vi phạm quy định pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 59 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ.  Theo đó, Công ty V bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đén 4.000.000 đồng.

Như Quỳnh