TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM

Cảnh giác với thủ đoạn lừa cài app ngân hàng giả mạo
Ngày đăng 28/10/2024 | 13:44  | Lượt xem: 49

Trên không gian mạng Việt Nam những ngày gần đây, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) ghi nhận sự phổ biến trở lại của việc các đối tượng lừa đảo dùng app ngân hàng giả mạo để chiếm quyền kiểm soát thiết bị, từ đó chiếm đoạt tài sản.

 

Theo Cục An toàn thông tin, thủ đoạn chung của nhiều đối tượng lừa đảo là tạo lập các trang web, ứng dụng, trang mạng xã hội mạo danh ngân hàng, tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán.

Sau khi tiếp cận nạn nhân bằng nhiều hình thức, kẻ lừa đảo sẽ đánh cắp thông tin cá nhân và thực hiện kịch bản lừa đảo.

Để đối phó với việc cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo người dân, kịch bản lừa đảo cũng liên tục được thay đổi, như mời nâng cấp thẻ tín dụng; vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp; thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ; hướng dẫn cập nhật sinh trắc học…

Đặc biệt lưu ý người dùng về chiêu trò lừa cài đặt app ngân hàng giả mạo, Cục An toàn thông tin nêu rõ: Những ứng dụng này có chứa mã độc, giúp kẻ lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại, đánh cắp thông tin và thực hiện chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.

Khuyến cáo người dân cảnh giác trước các bài đăng, thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội, Cục An toàn thông tin cũng đề nghị người dùng không truy cập vào các đường dẫn lạ; không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào.

Trước đó, trong cuộc họp báo chiều ngày 24/10/2024, Công an TP. Hồ Chí Minh đã thông tin về tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao có xu hướng gia tăng và phát sinh một số diễn biến phức tạp. Qua đó, Công an Thành phố đã ghi nhận phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng thường sử dụng tạo lập các trang web, ứng dụng, trang mạng xã hội mạo danh tổ chức ngân hàng và các tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán. Sau đó, tiếp cận nạn nhân bằng nhiều hình thức (chạy quảng cáo, tán phát tin nhắn mạo danh Ngân hàng hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho nạn nhân…) và thực hiện kịch bản lừa đảo.

Nội dung kịch bản lừa đảo liên tục thay đổi để đối phó với việc cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền cảnh báo người dân; đã ghi nhận một số kịch bản lừa đảo thường được đối tượng sử dụng: mời nâng cấp thẻ tín dụng; vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp; thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ; hướng dẫn cập nhật sinh trắc học, thông tin tài khoản… Sau đó các đối tượng thao túng và yêu cầu nạn nhân làm theo yêu cầu cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu và đặc biệt là mã OTP xác thực.

Đáng chú ý, hiện nay đối tượng dẫn dụ nạn nhân cài đặt ứng dụng giả mạo trên điện thoại thông minh; các ứng dụng này có chứa mã độc và chiếm quyền điều khiển điện thoại để đánh cắp thông tin sau đó thực hiện việc chuyển tiền trực tuyến để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Đối với thủ đoạn tạo hình ảnh giả mạo hóa đơn (bill) chuyển tiền (fake bill), đây là phương thức các đối tượng thường sử dụng kèm kịch bản mạo danh pháp nhân, cá nhân liên hệ doanh nghiệp, hộ kinh doanh để đặt mua hàng hóa. Sau đó sử dụng hình ảnh giả mạo hóa đơn (bill) chuyển tiền thành công với số tiền lớn hơn số tiền mua hàng thực tế và đưa ra nhiều lý do để lý giải cho việc đã chuyển khoản nhưng nạn nhận chưa nhận được tiền vào tài khoản (nghẽn mạng, ngân hàng đang xử lý…). Sau đó, hoặc là chiếm đoạt tài sản của nạn nhân bằng việc chiếm đoạt số hàng đã mua hoặc thông báo việc chuyển dư tiền để nhờ nạn nhân mua giúp các loại hàng hóa ở các doanh nghiệp khác, kèm số điện thoại liên hệ (nhưng thực chất là do các đối tượng đóng giả). Hàng hóa nhờ mua giúp có giá tiền cao hơn rất nhiều so với giá trị niêm yết để kích thích “ham muốn có lời” khi mua giúp. Khi nạn nhân chuyển tiền sẽ bị các đối tượng chiếm đoạt.

BÌNH LIÊN