Giải đáp pháp luật
Anh M và chị T ly hôn được hơn 2 năm. Anh chị có một con chung là bé Y hiện nay 5 tuổi. Theo Quyết định của Tòa án, chị T được quyền nuôi con và anh M có nghĩa vụ cấp dưỡng. Thời gian tới, chị T chuẩn bị lập gia đình với người khác và phải theo
chồng đi xa. Với mong muốn bé Y không bị xáo trộn cuộc sống, anh M và chị T bàn và thống nhất để anh M nuôi con sau khi chị T lấy chồng. Vậy anh M và chị T có thể yêu cầu Tòa án cho thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn không và Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết?
Trả lời:
Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 quy định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 dưới đây, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 nêu trên thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ”.
- Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 quy định “Yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
- Điểm b khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 quy định thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện như sau: “Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này”;
- Điểm i khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 quy định:
“Tòa án nơi một trong các bên thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án nơi người con đang cư trú có thẩm quyền giải quyết”;
Theo các quy định trên thì Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Trường hợp chị T và anh M có quyền thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi anh hoặc chị cư trú.
GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT
trao đổi kinh nghiệm
- Cảnh báo các trang facebook giả mạo “Liên đoàn Pickleball Việt Nam” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Cảnh giác với “chiêu trò” lừa đảo việc làm thời vụ cuối năm
- Người phụ nữ bị lừa khi đăng ký khóa học Pickleball cho con trên mạng
- Cảnh giác với chiêu trò bán vé chương trình 'Anh trai say hi' qua hội nhóm