TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM

Cảnh giác với “chiêu trò” lừa đảo việc làm thời vụ cuối năm
Ngày đăng 03/12/2024 | 09:27  | Lượt xem: 31

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Ảnh minh họa

Những cái bẫy giăng ra ngày càng tinh vi. Rất nhiều người không chỉ bị lừa đảo, tiền mất tật mang mà còn chịu gánh nặng về tâm lý.

Nhiều bài đăng tìm kiếm lao động thời vụ trong dịp cuối năm với các công việc như cắt mác quần áo, dán lì xì, với mức lương hấp dẫn. Không ít người với mong muốn tìm kiếm việc nhẹ lương cao, kiếm thêm thu nhập mà đã tin tưởng chuyển khoản đặt cọc cho bên tuyển dụng. Sau khi cọc tiền thì toàn bộ tin nhắn và số điện thoại của bên tuyển dụng hoàn toàn “bốc hơi”.

Điển hình mới đây nhất, Công an quận Long Biên (TP Hà Nội) đang xác minh, điều tra vụ giả danh ngân hàng tuyển dụng nhân sự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một công dân trên địa bàn.

Theo đó, vào ngày 17/11, chị Đ (hộ khẩu thường trú tại Long Biên, Hà Nội) có đăng ký tuyển dụng nhân sự của một ngân hàng trên mạng xã hội Facebook. Sau đó, chị Đ nhận được cuộc gọi của một đối tượng giới thiệu là bộ phận tuyển dụng nhân sự ngân hàng thông báo lịch hẹn phỏng vấn online.

Đến ngày 19/11, đối tượng gửi email hướng dẫn chị tải phần mềm và trải nghiệm dự án của ngân hàng. Chị Đ bị các đối tượng dẫn dắt đầu tư vào dự án và nạp gần 2 tỷ đồng nhưng không rút được tiền ra.

Theo các chuyên gia, một số hành vi lừa đảo tuyển dụng điển hình được trang tuyển dụng vietnamworks.com chỉ ra là: giả mạo công ty lớn qua việc giả mạo địa chỉ email và gửi email tiếp cận đến ứng viên; mạo danh công ty lớn qua nội dung trao đổi qua điện thoại và các nền tảng giao tiếp; mạo danh công ty lớn để đăng tuyển trên các nền tảng tìm việc làm; hay thậm chí giả mạo cả các trang web tìm việc làm uy tín.

Không chỉ người lao động “tiền mất tật mang” mà các doanh nghiệp đang kinh doanh cũng “đau đầu” vì bị hiểu lầm, liên tục chủ động chuyển các cảnh báo, khuyến cáo ứng viên nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng với các ứng dụng, đường link không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội được sử dụng với mục đích giả mạo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Để tránh sập bẫy lừa đảo, người dân cần cẩn trọng khi đi xin việc. Khi vào website tìm việc, mọi người nên chú ý đến phần mô tả công việc phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể mức lương, công việc, địa chỉ công ty, năm thành lập. Về mặt nội dung, khi đọc một quảng cáo mô tả công việc phải có đầy đủ nhiệm vụ, quyền lợi của nhân viên, nên xem những yêu cầu công việc có phù hợp với vị trí công việc đó không, rồi tìm kiếm công ty đó trên nhiều trang thông tin khác.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, vấn đề lừa đảo tuyển dụng lao động, nhất là vào các dịp cuối năm không còn mới. Tuy nhiên, hiện nay do mạng xã hội bùng nổ và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ khiến cho vấn đề trở nên phức tạp hơn. Do đó, để phòng tránh lừa đảo trong tuyển dụng, người lao động nên ưu tiên nộp hồ sơ qua các kênh tuyển dụng chính thức của doanh nghiệp hoặc qua các phiên giao dịch việc làm do các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức. “Các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm hoặc đăng tuyển dụng thông qua các trung tâm giao dịch việc làm đã được sàng lọc, thẩm định nên đảm bảo về độ tin cậy. Người lao động khi tham gia các phiên giao dịch việc làm dễ dàng tiếp cận với doanh nghiệp và phỏng vấn trực tiếp, tránh mất công đi lại, đảm bảo an toàn”, ông Thành chia sẻ.

Một lưu ý nữa ông Thành đưa ra là người lao động cần cẩn trọng trước việc tuyển dụng lao động thông qua trung gian và có thu phí. Đối với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng thật thì thường không yêu cầu nộp phí khi ứng tuyển. Khi muốn ứng tuyển, người lao động có thể liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để xác nhận thông tin tuyển dụng. Điều này không chỉ giúp người lao động nắm rõ thông tin mà còn tạo cơ hội phỏng vấn trực tiếp, tránh mất thời gian đi lại không cần thiết. Cùng với đó, các doanh nghiệp tuyển dụng cũng cần thông báo các kênh tuyển dụng chính thức và cách nhận biết để người lao động tránh nhầm lẫn.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm, Cơ quan Công an đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi tìm việc làm, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Một lưu ý nữa người lao động cần cẩn trọng trước việc tuyển dụng lao động thông qua trung gian và có thu phí. Đối với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng thật thì thường không yêu cầu nộp phí khi ứng tuyển. Khi muốn ứng tuyển, người lao động có thể liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để xác nhận thông tin tuyển dụng. Điều này không chỉ giúp người lao động nắm rõ thông tin mà còn tạo cơ hội phỏng vấn trực tiếp, tránh mất thời gian đi lại không cần thiết. Cùng với đó, các doanh nghiệp tuyển dụng cũng cần thông báo các kênh tuyển dụng chính thức và cách nhận biết để người lao động tránh nhầm lẫn

Ngoài ra, để chủ động phòng ngừa tội phạm, lực lượng công an đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi tìm việc làm, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

“Bộ luật Lao động năm 2019 quy định rất rõ về việc người tuyển dụng lao động không được thu tiền đặt cọc của người lao động (Khoản 2, Điều 17); người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động (Khoản 2, Điều 11). Điều 96 bộ luật này cũng quy định, lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng, vì vậy người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động trả phí cho việc mở tài khoản để trả lương…”.

TRÚC LINH