Giải đáp pháp luật
Năm 1994, Anh Tiến và chị Hà kết hôn, có hai con gái là Trang sinh năm 1995 và Vân sinh năm 2002. Năm 2014, anh Tiến đi lao động ở Nhật Bản và chung sống như vợ chồng với chị Ngà, hai người đã có 01 con chung là cháu Nam sinh năm 2015.
Tháng 12/2018, Tiến về nước và yêu cầu chị Hà ly hôn, Toà án đã thụ lý đơn. Ngày 08/01/2019, anh Tiến bị nhồi máu cơ tim phải nhập viện cấp cứu, trước khi chết anh Tiến di chúc để lại cho chị Ngà, cháu Nam mỗi người 01 phần đều nhau. Nay, chị Ngà đến đòi chia di sản thừa kế của anh Tiến nhưng gia đình anh Tiến không đồng ý. Vì vậy chị Ngà làm đơn kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Được biết, anh Tiến và chị Ngà cùng kinh doanh có khối tài sản chung là 2,5 tỷ đồng. Tài sản chung của anh Tiến và chị Hà là 880 triệu đồng. Tiền mai táng anh Tiến hết 120 triệu đồng. Đề nghị cho biết, di sản của Tiến sẽ được chia như thế nào?
Trả lời
- Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định "Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác."
- Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc như sau: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.
- Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau:
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.
- Khoản 1 Điều 621 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định người không được quyền hưởng di sản như sau:
“1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản”.
- Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.
4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
5. Tiền công lao động.
6. Tiền bồi thường thiệt hại.
7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
9. Tiền phạt.
10. Các chi phí khác”.
- Điều 21 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định người chưa thành niên như sau:
“1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”.
- Khoản 1 Điều 644 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động”.
- Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng như sau:
“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng (thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng); tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.
Theo thông tin cung cấp ở trên thì không rõ thời gian anh Tiến chết ngày nào? Di chúc của anh Tiến lập khi nào? Có hợp pháp không? Phần tài sản chung theo phần của anh Tiến và chị Ngà là bao nhiêu? Cháu Trang, cháu Vân có khả năng lao động hay không? bố mẹ anh Tiến còn sống hay đã chết? Trong trường hợp này giả thiết anh Tiến chết tháng 01 năm 2019, di chúc của anh Tiến lập tháng 01 năm 2019 là hợp pháp và anh Tiến định đoạt toàn bộ tài sản của anh Tiến trong di chúc, phần tài sản chung theo phần của anh Tiến và chị Ngà mỗi người 50%, Cháu Trang, cháu Vân có khả năng lao động, bố mẹ anh Tiến đã chết trước anh Tiến. Chị Hà không từ chối nhận di sản và không thuộc trường hợp không có quyền hưởng di sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.
Anh Tiến và chị Hà kết hôn năm 1994 là vợ chồng hợp pháp. Anh Tiến chung sống như vợ chồng với chị Ngà, nên anh Tiến và chị Ngà không phải là vợ chồng. Do đó phần tài sản của anh Tiến trong khối tài sản chung với chị Ngà, là tài sản anh Tiến tạo ra trong thời kỳ hôn nhân của anh Tiến và chị Hà. Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, phần tài sản này là tài sản chung của anh Tiến và chị Hà. Như vậy, giá trị tài sản chung của anh Tiến, chị Hà là: 880.000.000đ +(2.500.000.000đ : 2) = 2.130.000.000đ. Di sản của anh tiến để lại là phần tài sản của anh Tiến có được sau khi đã trừ các chi phí (tiền mai táng phí) theo quy định tại Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015 là: (2.130.000.000đ : 2) - 120.000.000đ = 945.000.000đ.
Di chúc của anh Tiến lập tháng 01 năm 2018, để lại di sản cho chị Ngà và cháu Nam. Tuy nhiên, khi anh Tiến lập di chúc và anh Tiến chết, cháu Trang sinh năm 2002, theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015, cháu Trang là người chưa thành niên. Theo quy định tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 chị Hà và cháu Trang sẽ được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Do đó, chị Hà và cháu Trang sẽ được hưởng 2/3 của suất thừa kế nếu chia theo luật.
Hàng thừa kế của anh Tiến là chị Hà, cháu Vân, cháu Trang và cháu Nam. Di sản của anh Tiến nếu chia theo luật, mỗi thừa kế sẽ được hưởng là 945.000.000đ : 4 = 236.250.000đ. Chị Hà và cháu Trang mỗi người sẽ được hưởng là: 236.250.000đ x 2/3 = 157.500.000đ. Di sản của anh Tiến còn lại để chia theo di chúc là: 945.000.000₫ – (157.500.000đ x 2) = 630.000.000đ. Chị Ngà và cháu Nam mỗi người sẽ được hưởng di sản theo di chúc là: 630.000.000đ : 2 = 315.000.000đ.
Như Quỳnh
GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT
trao đổi kinh nghiệm
- Cảnh giác với “chiêu trò” lừa đảo việc làm thời vụ cuối năm
- Người phụ nữ bị lừa khi đăng ký khóa học Pickleball cho con trên mạng
- Cảnh giác với chiêu trò bán vé chương trình 'Anh trai say hi' qua hội nhóm
- Cảnh giác ứng dụng AI kết hợp sử dụng DeepFake, DeepVoice... làm giả thông tin để lừa đảo