TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU
Ngày 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2024 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu (điểm cầu Trung ương - điểm cầu chính và điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Hội nghị do đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khánh Ngọc, Trần Tiến Dũng cùng dự. Dự Hội nghị sơ kết còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan của Quốc hội và địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành Tư pháp đã quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch công tác, bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác tư pháp. Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, trả lời 328 kiến nghị, đề xuất, đề nghị hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), các địa phương ban hành hơn 1.500 VBQPPL cấp tỉnh, hơn 1.000 VBQPPL cấp huyện và 810 VBQPPL cấp xã; tổ chức thẩm định 113 đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức Pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 222 dự thảo…
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hơn 305.000 buổi tuyên truyền pháp luật cho hơn 24 triệu lượt người; tổ chức gần 4.200 cuộc thi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PB, GDPL) thu hút khoảng 4 triệu lượt người dự thi; phát hơn 22 triệu tài liệu tuyên truyền, PB, GDPL. Đến nay, có 10.177/10.578 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 96.1%).
Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được Bộ Tư pháp, các địa phương chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả; cả nước tiếp nhận hơn 46.000 vụ việc hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành đạt 83,4%. Kết quả thi hành án dân sự (tính từ 1/10/2023 đến 30/6/2024) đạt được những kết quả tích cực với hơn 403.000 việc, đạt tỷ lệ 65,24%; thi hành xong hơn 73.000 tỷ đồng về tiền, tăng 3,89% so với cùng kỳ…
Công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và có nhiều đổi mới. Trong 06 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 văn bản quy phạm pháp luật (tương đương so với cùng kỳ 2023); các địa phương ban hành 1.528 VBQPPL cấp tỉnh, 1.038 VBQPPL cấp huyện và 810 VBQPPL cấp xã. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc lập đề nghị, trình Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV; trình Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều dự án quan trọng do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo (Luật Thủ đô, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Công chứng…).
Bên cạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, Bộ Tư pháp, các cơ quan tư pháp địa phương tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo”. Đặc biêt, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã hoàn thành nhiệm vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất, lộ trình xử lý VBQPPL để thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân theo yêu cầu của Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ; triển khai giải pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. 63/63 địa phương đã cung cấp dịch vụ công (gồm: đăng ký khai sinh; đăng ký khai tử; đăng ký kết hôn) trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh/thành phố, kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; đồng thời triển khai kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử...
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, đơn vị, địa phương đã tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tư pháp trong thời gian tới. Trong đó tập trung những nội dung, như: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải pháp thực hiện trong thi hành án; giải pháp, kinh nghiệm triển khai số hóa sổ hộ tịch, hưởng ứng kế hoạch thi đua cao điểm “Đẩy mạnh tiến độ hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch”; chuẩn bị các điều kiện cần thiết thi hành Luật Đấu giá tài sản....
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết, để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, tiêu chuẩn, chế độ cho người làm công tác pháp chế đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác pháp chế, yêu cầu thực tiễn công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trong tình hình mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác pháp chế, ngày 18/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 56/2024/NĐ-CP).
Nghị định số 56/2024/NĐ-CP gồm 4 điều trong đó sửa đổi, bổ sung 10 điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Bên cạnh việc bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập vào phạm vi, đối tượng điều chỉnh, Nghị định còn sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở bộ, cơ quan, ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn, chế độ của người làm công tác pháp chế; bổ sung 03 điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập và trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong công tác pháp chế; bãi bỏ 01 điều và một số điểm, khoản tại các điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.
Trong lĩnh vực thi hành án, đồng chí Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, trong thời gian qua, công tác kiểm tra, tự kiểm tra trong Hệ thống THADS được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hệ thống; nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này, đồng chí đề xuất một số giải pháp như: Tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành liên quan; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật về THAHC, trong đó tập trung phối hợp với TAND tối cao nghiên cứu, sửa đổi Luật TTHC nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác THAHC; tập trung mọi nguồn lực, rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, đặc biệt là các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo...-
Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao những kết quả đạt được thời gian qua; đồng thời đề nghị các cơ quan tư pháp từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó bám sát chủ trương, định hướng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ để khắc phục khó khăn, vướng mắc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”…
Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp 6 tháng cuối năm, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đề nghị: Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; sử dụng linh hoạt các giải pháp về công tác cán bộ; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thêm; tiếp tục đầu tư nguồn lực, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Tư pháp; tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có); kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc.
Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, chú trọng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xây dựng, nâng cấp, triển khai và duy trì các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng; thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương bám sát chỉ đạo của Bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung số hóa hồ sơ, giấy tờ tư pháp thuộc thẩm quyền.
Cùng với đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bồi thường nhà nước; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp, pháp luật có trình độ, chuyên môn tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.
TRÚC LINH
TRÚC LINH
thông báo
- Tăng cường tuyên truyền pháp luật về một số mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ từ ngày 01/01/2025
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô đã được ban hành
- Truyền thông, phổ biến các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8; Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật dịp Tết Ất Tỵ 2025 và một số vấn đề dư luận quan tâm