TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU

Tận dụng sức mạnh của công nghệ trong cuộc chiến với ma túy
Ngày đăng 13/11/2024 | 17:03  | Lượt xem: 67

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 13/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tổ chức thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Về phía Bộ Công an, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự và tiếp thu, giải trình.

 

Theo tờ trình của Chính phủ, mục tiêu tổng quát của Chương trình nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy; hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy. Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma túy; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy.

Bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy; hỗ trợ can thiệp y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý cho người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy, người vi phạm pháp luật về ma túy thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Toàn cảnh phiên họp

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình là 22.450,194 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương chiếm 78,96%, còn lại là vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2025 đến hết năm 2030.

Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 được xây dựng nhằm cụ thể hóa thực hiện chủ trương của Đảng , chính sách pháp luật của Nhà nước, các cam kết quốc tế về phòng, chống và kiểm soát ma túy; tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, trọng tâm, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy, đồng thời, tăng cường nguồn lực, đáp ứng yêu cầu đặt ra với công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, góp phần quan trọng trong bảo vệ sức khỏe mỗi cá nhân, duy trì giống nòi, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.

Tại Phiên thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình, nhất trí cao về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu giải trình

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Tất Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phân tích, điểm b khoản 1 Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết đã quy định khá đầy đủ về mục tiêu giảm cầu đối với người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy, người nghiện ma túy đã được đưa đi cai nghiện và người sau khi được cai nghiện. Tuy nhiên, trong dự thảo chưa quy định đối với người chưa sử dụng nhưng có nguy cơ cao sử dụng ma túy, dễ dẫn tới nghiện ma túy. Những đối tượng này là các thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động, phần nhiều là những đối tượng tuổi đời trẻ, đang trong quá trình hình thành nhân cách, hay đua đòi, dễ bị dụ dỗ, sa ngã. Đây chính là đầu vào quan trọng, bổ sung chính cho số người sử dụng ma túy và nghiện ma túy. Do vậy muốn giảm tỷ lệ và giảm tuyệt đối số người sử dụng và nghiện ma túy thì Nhà nước – xã hội – nhà trường và gia đình cần phải có các biện pháp hữu hiệu để giám sát, quản lý chặt chẽ đối với các đối tượng này.

Trong các chủ thể đó, đại biểu cho rằng nên đặc biệt chú trọng chủ thể là gia đình. Vì trong thực tiễn, người sử dụng và nghiện ma túy xuất phát ở mọi thành phần gia đình, từ có điều kiện kinh tế hay là đối tượng gia đình khó khăn. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung phần mục tiêu cụ thể về giảm cầu tại điểm b khoản 1 Điều 1 nội dung sau: Quản lý chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao sử dụng trái phép ma túy và nghiện ma túy. Nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc quản lý, giám sát đối với các đối tượng là trẻ em, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và người lao động

Bên cạnh đó vẫn còn một số ý kiến lo ngại về các chỉ tiêu cao, có những chỉ tiêu tuyệt đối 100% là khó khả thi. Trong đó, phấn đấu phát hiện, triệt phá 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy. Liên quan về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định, đây là các chỉ tiêu mang tính nguyên tắc và có tính khả thi.

Thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) bày tỏ ủng hộ cao về chương trình này và cho biết đây là tiếp nối việc thực hiện chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, hiện nay ma túy diễn biến phức tạp, khó hơn trước nhiều và cũng rất thách thức toàn xã hội. Cần tập trung nhiều hơn, sâu sắc hơn việc phòng so với chống ma túy. Trong phòng thì phải truyền thông, giáo dục và chú ý truyền thông không chỉ ở trường học mà còn ở công đoàn, cơ quan, công ty, đặc biệt là hội phụ nữ các cấp, hội người cao tuổi.

Ngoài ra, đại biểu Đoàn Hà Nội cũng cho rằng, cần chú ý vấn đề ma túy khi sử dụng thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và loại khác…). Tất cả loại thuốc lá mới đều có nguy cơ là phương tiện sử dụng ma túy.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh, đầu tư vào chương trình phòng, chống ma túy là cần thiết và thể hiện quyết tâm bảo vệ an ninh và sức khỏe của người dân.

Nhưng theo đại biểu, việc đặt ra chỉ tiêu mà không có sự bảo đảm về điều kiện thực hiện có thể làm giảm hiệu quả của chương trình. Qua đó, đại biểu đề nghị Chính phủ đặt ra các mục tiêu cần phù hợp với nguồn lực và khả năng thực thi.

Về nguồn vốn thực hiện chương trình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, hiện đang tập trung đề xuất, bố trí nguồn lực để giải quyết những vấn đề cấp bách, những vấn đề trước mắt, đảm bảo sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và tránh giàn trải. Đồng thời cho biết, đối với những địa phương tự cân đối được ngân sách sẽ sử dụng ngân sách địa phương 100%.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội về nội dung cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, sẽ phối hợp với các ủy ban của Quốc hội hiệu chỉnh nội dung này theo hướng, đề xuất Quốc hội giao cho Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền hoặc trình các cơ quan có thẩm quyền đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn nếu có nhằm triển khai Chương trình có hiệu quả.

Kết thúc ngày làm việc 13-11, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV cũng đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đợt 1 của kỳ họp. Đợt 2 của kỳ họp sẽ được tiến hành từ ngày 20 đến 30-11

THANH LAM