TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU

Tuyên truyền đến từng hộ dân, đặc biệt là những người đi từ vùng dịch bệnh
Ngày đăng 04/02/2020 | 14:38  | Lượt xem: 459

Tuyên truyền các hộ kinh doanh cấm buôn bán kinh doanh động vật hoang dã; khuyến cáo người dân trong thời điểm này không nên ăn thịt chó, thịt mèo

 

Chiều 3/2/2020, Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp do vi rút cô rô na gây ra của UBND  thành phố đã họp dưới sự chủ trì đồng chí Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Thành phố. Dự họp có lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 15h ngày 4-2, cả nước ghi nhận 9 trường hợp dương tính với nCoV. Hiện nay, đã có 2 trường hợp khỏi bệnh. Trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp mắc nCoV.Tuy nhiên, ngành Y tế Thủ đô cũng đã tiến hành cách ly 29 trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV, trong đó có 15 trường hợp đã xét nghiệm âm tính với nCoV; 14 trường hợp đang được tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tổng số trường hợp tiếp xúc gần là 104; số trường hợp phải giám sát y tế là 40. Ngoài ra, có 64 trường hợp đã được kết thúc giám sát y tế. Riêng ngày 2-2, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục giám sát 3 trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV ở huyện Đông Anh, huyện Ba Vì và quận Đống Đa.

Sở Y tế Hà Nội nhận định, căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, kết quả đánh giá nguy cơ của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho thấy bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona có khả năng lây lan thành dịch tại cộng đồng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Hiện nay, với điều kiện khí hậu mùa đông xuân lạnh ẩm rất thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát sinh và phát triển. Nguy cơ bệnh có thể tiếp tục xâm nhập vào nước ta thông qua khách du lịch, người lao động về từ vùng dịch. Bệnh chưa có vacine và thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.

Sở Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh Cảng hàng không Sân bay Quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, triển khai việc áp dụng tờ khai y tế khi nhập cảnh tại cửa khẩu.

Tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn giám sát và điều trị cho các cán bộ tham gia phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các cơ sở điều trị đã chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận và điều trị cho các trường hợp mắc bệnh dịch.

Sở Y tế Hà Nội đã bố trí 5 bệnh viện tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị cho các bệnh nhân. Cụ thể, bệnh nhân trẻ em được tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang; bệnh nhân người lớn được tiếp nhận cách ly, theo dõi và điều trị tại các bệnh viện, gồm: Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Thanh Nhàn.Sở Y tế Hà Nội cũng đã công bố 3 số điện thoại đường dây nóng, gồm: 0969082115; 0949396115; 0916865570 và email: gsdich2020@gmail.com để tiếp nhận các thông tin về phòng chống dịch bệnh nCoV.

Tại cuộc họp, các sở, ban, ngành thành phố đã báo cáo việc phòng, chống dịch bệnh. Theo Giám đốc Sở Du lịch Trần Đức Hải, các hoạt động du lịch bị ảnh hưởng đáng kể, tuy nhiên, ngành Du lịch hiện vẫn bám sát các chỉ đạo của thành phố, cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh.

Về vấn đề quản lý khẩu trang, thiết bị y tế trên thị trường hiện nay, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra được 256 nhà thuốc, 2 cơ sở kinh doanh, trang thiết bị y tế. Cục Quản lý thị trường tiếp tục tuyên truyền tới các cơ sở kinh doanh cam kết bán hàng đúng giá niêm yết, không tăng giá các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là khẩu trang, nước rửa tay khử khuẩn…Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội báo cáo sẵn sàng triển khai bệnh viện dã chiến (dự kiến tại Sơn Tây), thực hiện nhiệm vụ cách ly 950 người Việt Nam được vận chuyển về từ các vùng dịch như Trung Quốc và những nước khác ngay khi thành phố yêu cầu.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh một số phần việc đối với các sở, ngành. Cụ thể, Sở Y tế cần kiểm tra, rà soát các bệnh viện, trạm y tế để sẵn sàng các phương án cách ly; hướng dẫn việc khử khuẩn, tẩy trùng, vệ sinh ở các nơi như trường học, cơ quan, công sở... Bộ Tư lệnh Thủ đô cần chuẩn bị các phương án cho bệnh viện dã chiến trong trường hợp thực hiện vận chuyển người Việt Nam ở các vùng dịch về nước hoặc ngay khi mức độ lây lan bệnh ở cấp độ 4. Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi tình hình dịch bệnh, nếu cần thiết cho học sinh nghỉ học thêm. Sở Lao động, Thương binh - Xã hội cần rà soát số người lao động sang Trung Quốc làm việc để có phương án theo dõi, kiểm tra sức khỏe. Sở Văn hóa và Thể thao kiểm soát việc thực hiện dừng các lễ hội, giải chạy marathon, hạn chế các hoạt động tụ tập đông người…

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã đề ra các biện pháp, nhiệm vụ mà các sở, ngành cần thực hiện ngay. Đó là: Đẩy mạnh việc tuyên truyền hướng dẫn cho người dân trong việc phòng, chống dịch; phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng như bến tàu, xe, khi tham gia các phương tiện vận tải công cộng, nơi đông người. Đặc biệt, tuyên truyền để khách du lịch, người lao động, du học sinh đã qua vùng dịch nhận thức mức độ lây lan của bệnh, hiểu tường tận cách phòng chống, dấu hiệu bệnh, liên hệ với cơ sở y tế để có các giải pháp phòng chống.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, những ngày qua, TP đã quyết liệt triển khai các biện pháp phòng dịch nCov theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Thành ủy, hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, TP đã hoàn thành bước đầu triển khai phun khử khuẩn tại các trường học trên địa bàn TP.

Đến giờ phút này TP chưa có trường hợp phát hiện lây nhiễm chéo từ những người bệnh đi từ vùng dịch về. Chủ tịch UBND TP nhận định nếu đến ngày 9/2 không phát hiện các trường hợp lây nhiễm thì chứng tỏ các giải pháp của TP Hà Nội là hiệu quả, là cơ sở để tính toán triển khai các biện pháp tiếp theo.

Đặc biệt nhấn mạnh về công tác tuyên truyền, Chủ tịch UBND TP yêu cầu cần tuyên truyền đến từng hộ dân, đặc biệt là những người đi từ vùng dịch bệnh về để làm sao họ nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, cách phòng chống, nhận biết các triệu chứng của bệnh. Sở Y tế, các cơ quan báo đài TP, Sở TT&TT tiếp tục mời các chuyên gia y tế để thông tin trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm bắt rõ thông tin tình hình và cách phòng tránh dịch bệnh; yêu cầu khi người dân tham gia các phương tiện giao thông công cộng phải đeo khẩu trang.

Đáng chú ý, với nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm lớn, TP cần tuyên truyền các hộ kinh doanh cấm buôn bán kinh doanh động vật hoang dã; khuyến cáo người dân trong thời điểm này không nên ăn thịt chó, thịt mèo.Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ngành công khai minh bạch thông tin cho người dân, tránh nhiễu loạn thông tin. Công an kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp phát thông tin giả, gây hoang mang dư luận.Chủ tịch UBND TP đề nghị 584 trạm y tế tại các phường, xã phải được khử khuẩn và bố trí phòng cách ly. Các bệnh viện tuyến huyện phải sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp bị nhiễm bệnh dịch.

Sở Y tế triển khai tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế cách xử lý với các trường hợp nghi nhiễm dịch bệnh, hướng dẫn người dân phòng bệnh và chú ý các biện pháp tự bảo vệ mình. Cập nhật phác đồ điều trị của Y tế thế giới; sẵn sàng ứng phó với tình trạng xấu nhất.

Sở Tài chính khẩn trương chuẩn bị đủ khẩu trang đúng tiêu chuẩn để phát miễn phí cho học sinh khi quay trở lại trường trong thời gian tới. Sở Y tế đảm bảo chế độ thông tin báo cáo thường xuyên; đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo giao ban trực tuyến 2 ngày/lần. Thủ trưởng các đơn vị là Trưởng ban, Bí thư, Chủ tịch chịu trách nhiệm trên địa bàn.

“Hà Nội huy động cả hệ thống chính trị, mọi người dân cùng vào cuộc trong đợt phòng, chống dịch bệnh này. Mọi thông tin về dịch bệnh phải được cập nhật hằng ngày, thường xuyên, liên tục và phải công khai, minh bạch để mọi người dân nắm được. Trường hợp đưa thông tin sai lệch, đề nghị Công an thành phố xử lý nghiêm”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh tại cuộc họp.

Về đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đồng ý tạm thời dừng các hoạt động tại không gian đi bộ tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm vào cuối tuần này.Xử lý nghiêm vi phạm giao thông, đẩy mạnh phòng ngừa dịch bệnh virus Corona.

*

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 9 bệnh nhân nhiễm viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Các bệnh nhân này được cách ly điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, trong đó bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa là người đầu tiên được xuất viện.

Về chi phí điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Corona sẽ được chi trả như thế nào? Về vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế xác nhận, theo quy định pháp luật, những người bệnh được xác định dương tính với virus corona (nCoV) sẽ được điều trị miễn phí.

Cụ thể, tại quyết định công bố dịch Corona do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 1-2, Thủ tướng xác định đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu và lây truyền từ người sang người.

Theo quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ được miễn viện phí. Vì thế, người bệnh được xác định dương tính với virus corona (nCoV) – bệnh truyền nhiễm nhóm A - sẽ được điều trị miễn phí.

Với những trường hợp người bệnh thuộc diện nghi ngờ nhiễm bệnh Corona cần theo dõi, cách ly, giám sát, ông Liên cho biết, nếu kết quả xét nghiệm là âm tính người bệnh sẽ được thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định. Còn trường hợp bệnh nhân dương tính sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí theo quy định.

Cũng liên quan đến việc thanh toán bảo hiểm y tế cho bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus corona, BHXH Việt Nam đã có văn bản yêu cầu BHXH các tỉnh chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tạo thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT được kịp thời khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT khi nghi ngờ nhiễm nCoV.

D.Hà (tổng hợp)