TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU
Kinh tế chia sẻ là lĩnh vực mới nên ‘nhà quản lý cũng phải là người khởi nghiệp trong lĩnh vực này”, để xây dựng được hành lang pháp lý phù hợp, thu hút được nguồn lực đầu tư, gia tăng dịch vụ tiện ích cho người dân.
Viện nghiên cứu phát triển kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo báo cáo “Đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế”.
Theo dự thảo Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy, kinh tế chia sẻ ở Việt Nam có tiềm năng phát triển to lớn, đã thúc đẩy và thu hút đầu tư, đặc biệt vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển khoa học - công nghệ… nhưng cũng làm nảy sinh nhiều thách thức mới.
Riêng trong lĩnh vực vận tải, ở Việt Nam, chỉ trong 2 năm (2016-2018) thực hiện đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”, cả nước có 866 đơn vị vận tải với 36.809 phương tiện và hàng chục ngàn lao động tham gia thí điểm. Báo cáo nghiên cứu về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek Holdings, Bain&Co nhận định, quy mô thị trường gọi xe và giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đạt doanh thu 1,1 tỷ USD vào năm 2019, tăng hơn 5 lần so với năm 2015 (200 triệu USD) và dự báo đạt 4 tỷ USD vào năm 2025…
Ông Phạm Xuân Hòe cho rằng phải đánh giá được vai trò, tác động của KTCS với nền kinh tế
Ông Lưu Đức Khải, Phó trưởng ban nghiên cứu các vấn đề xã hội CIEM cho hay, kinh tế chia sẻ đang tác động tới huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế. KTCS có nhiều lĩnh vực, với đặc thù là dựa trên nền tảng tài nguyên, nhất là tài nguyên số. Ban đầu là chia sẻ những gì sẵn có, nhưng trong thực tế, đã có biến tướng, ví dụ một số hộ gia đình mua các phòng, căn hộ để chuyên kinh doanh chứ không phải có căn hộ, phòng không dùng đến thì cho thuê... Đáng bàn, có xu hướng các công ty nước ngoài thâu tóm các mô hình này ví dụ Uber và Grab sáp nhập, go Việt... mà nếu nền kinh tế không có sự chuẩn bị thì có thể bị các công ty đa quốc gia thâu tóm các hoạt động KTCS trong nước.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề đặt ra về đảm bảo an ninh mạng; thu thuế, nhất là cơ chế giám sát với các hoạt động xuyên biên giới để tránh thất thu; tác động đến thị trường lao động với việc tạo thêm việc làm, nhưng cũng có việc làm truyền thống bị mất đi… Việc cấp giấy phép hoạt động đối với các mô hình KTCS còn vướng mắc, do một số loại hình không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh hoặc chưa xác định được ngành nghề kinh doanh và gây ra nhiều tranh luận, việc bổ sung các quy định nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ liên quan đến người tiêu dùng của các bên tham gia hoạt động trên thị trường KTCS.
Dự thảo báo cáo đưa ra kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành đánh giá tác động của KTCS với ngành mình như thế nào và phối hợp chia sẻ thông tin vì thông tin thống kê về KTCS hiện rất rời rạc. Các cơ quan quản lý cũng cần có chính sách khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp cung cấp nền tảng, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh, ứng dụng công nghệ…
Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT Nguyễn Xuân Thủy đề nghị bổ sung quy định Chính phủ giao cho một cơ quan khảo sát chi tiết, đánh giá từ người tham gia dịch vụ xem cần điều chỉnh gì, mong muốn quyền lợi ra sao với các mô hình kinh tế này để có phương thức quản lý phù hợp. Còn theo ông Phạm Xuân Hòe, chuyên gia độc lập thì phải đánh giá được vai trò, tác động của KTCS với nền kinh tế như thế nào; rủi ro và thách thức của loại hình này mang lại, nhất là với lĩnh vực tài chính.
Ông Nguyễn Tuấn Linh, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn Thông tin truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn nhận, KTCS là lĩnh vực mới nên ‘nhà quản lý cũng phải là người khởi nghiệp trong lĩnh vực này”, để xây dựng được hành lang pháp lý phù hợp, thu hút được nguồn lực đầu tư, gia tăng dịch vụ tiện ích cho người dân.
Mai Chi
trao đổi kinh nghiệm
- Cảnh giác ứng dụng AI kết hợp sử dụng DeepFake, DeepVoice... làm giả thông tin để lừa đảo
- Khuyến cáo đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong sử dụng điện tại cơ sở, hộ gia đình
- Cảnh giác với thủ đoạn lừa cài app ngân hàng giả mạo
- Khuyến cáo các biện pháp an toàn PCCC trong thời điểm mùa hanh khô