TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU

Năm 2024, kinh tế - xã hội của Hà Nội đạt kết quả khá toàn diện, hiệu quả
Ngày đăng 10/12/2024 | 09:24  | Lượt xem: 143

Sáng 9/12, tại kỳ họp thứ 20, HĐND Thành phố khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải đã báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải trình bày báo cáo công tác chỉ đạo điều hành của UBND TP và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải trình bày báo cáo công tác chỉ đạo điều hành của UBND TP và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Theo đó, năm 2024, Thủ đô Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội hàng đầu cả nước, với hàng loạt thành tựu ấn tượng. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự quyết liệt trong điều hành của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của người dân, Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vượt qua nhiều khó khăn và thách thức.

Trên lĩnh vực kinh tế, Hà Nội ghi nhận mức tăng trưởng GDP ấn tượng, đạt 6,52%, cao hơn con số 6,27% của năm trước. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn ước tính đạt 58 tỷ USD, tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Thu ngân sách nhà nước đạt con số kỷ lục 492.000 tỷ đồng, tương đương 120,5% kế hoạch, trong đó thu nội địa chiếm phần lớn với 462.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 19,4 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch và biến động kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã giải quyết thành công các vấn đề xã hội cấp bách, với việc tạo việc làm cho hơn 196.000 lao động, vượt 18,9% kế hoạch năm. Các chương trình an sinh xã hội tiếp tục được thực hiện hiệu quả, từ việc hỗ trợ người có công, chăm lo cho các hộ nghèo đến cải thiện điều kiện sống qua việc xây dựng và sửa chữa hơn 700 căn nhà. Những nỗ lực này đã mang lại sự an tâm và niềm tin cho người dân Thủ đô.

Năm 2024 cũng là dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa đặc sắc. Các hoạt động như Ngày hội Văn hóa vì hòa bình, Hội thảo khoa học cấp quốc gia hay Lễ kỷ niệm cấp quốc gia đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân và bạn bè quốc tế. Thủ đô cũng được vinh danh tại nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có danh hiệu "Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á" và "Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam". Những danh hiệu này không chỉ khẳng định vị thế của Hà Nội trên bản đồ du lịch thế giới mà còn góp phần thúc đẩy ngành dịch vụ, du lịch phát triển mạnh mẽ hơn.

Không dừng lại ở đó, Hà Nội đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực hạ tầng và môi trường. Thành phố hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường quốc lộ, cao tốc, cải thiện đáng kể khả năng kết nối giao thông nội đô và các khu vực ngoại thành. Đề án phục hồi môi trường nước các con sông lớn như Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ và Đáy đã được triển khai đồng bộ, với nhà máy xử lý nước thải Yên Xá chuẩn bị vận hành thử nghiệm. Đây là bước tiến lớn trong việc cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân, đồng thời hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững.

Hà Nội cũng không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số, khẳng định vai trò tiên phong trong triển khai Đề án 06. Các ứng dụng tiện ích như sổ sức khỏe điện tử, thanh toán bãi đỗ xe thông minh hay nền tảng kết nối chính quyền và người dân "iHanoi" đã được đưa vào hoạt động. Thành phố còn hoàn thành Trung tâm Dữ liệu Nhà nước, tăng cường hiệu quả quản lý và vận hành hệ thống công nghệ thông tin, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

UBND TP Hà Nội cũng đã đề ra phương hướng phát triển năm 2025, trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, giao thông công cộng, hạ tầng các khu công nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học; hạ tầng khung các thành phố thuộc Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, an toàn cho người dân Thủ đô.

Thể chế hóa Luật thủ đô sửa đổi và 2 quy hoạch theo phương châm thể chế thông thoáng - quản trị thông minh - tư tưởng thông suốt với văn hóa soi đường và nhân tài dẫn lối”. Xây dựng Thủ đô thông minh, hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng văn hóa số.

Tiếp tục đẩy mạnh CCHC, phân cấp ủy quyền, nắm vững tư tưởng chỉ đạo, định hướng chiến lược của Trung ương và các nội dung mới trong Luật Thủ đô sửa đổi để tạo sự phát triển tăng tốc, bứt phá.

Tiếp tục thực hiện tốt 2 bộ quy tắc ứng xử và Chỉ thị 30 của Thành ủy về tăng cường xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”.

Trên tinh thần đó, năm 2025, Thành phố tập trung phát triển kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, bảo đảm nguồn cung và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025. Tiếp tục rà soát các dự án đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế đêm, kinh tế đô thị…

Tiếp tục thể chế hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Tập trung hoàn thiện 114 nhiệm vụ. Triển khai xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô, triển khai cụ thể bằng các nhiệm vụ, chương trình, dự án, công trình cụ thể gắn với khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài sản công (và các nguồn lực mới: tài nguyên nhân văn, tài nguyên số…).

Ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị nhằm tạo diện mạo phát triển mới của Thủ đô “xanh, sạch, đẹp, thông minh”.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, tập trung nâng cao tỷ lệ xử lý nước thải đô thị; đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải, các đề án bảo vệ môi trường dòng các sông; xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, hồi sinh các dòng sông, trong đó trước mắ tưu tiên tập trung xử lý môi trường sông Tô lịch, đảm bảo “sạch, sáng”, phấn đấu hoàn thành vào ngày 2/9/2025.

Đẩy mạnh CCHC gắn với chuyển đổi số. Triển khai quyết liệt Đề án 06 của Chính phủ; Đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công của Thành phố; Tiếp tục rà soát các quy trình, thủ tục theo hướng đồng bộ, tinh gọn, liên thông…. Đẩy mạnh số hóa dữ liệu, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực văn hóa, xã hội; tăng cường đào tạo nhân lực CNTT, nâng cao hiệu quả quản trị số.

Đẩy mạnh triển khai 19 mô hình và triển khai hiệu quả 9 mô hình mới Thành phố đã ký kết với Tổ Đề án 06 của Chính phủ; đẩy mạnh chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột “chính quyền số - kinh tế số - xã hội số” và 2 nền tảng “dữ liệu số - văn hóa số”, đảm bảo an ninh, an toàn trên môi trường mạng và nâng cao xây dựng văn hóa số trên không gian mạng.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện công tác tổng kết Nghị quyết số 18 và sắp xếp tổ chức bộ máy với phương châm "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, con người. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia, giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; Cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tạo các điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng và phát triển thành phố thông minh...

TP Hà Nội quyết liệt phòng, chống tiêu cực, lãng phí. Tập trung giải quyết triệt để lãng phí đất đai, tháo gỡ khó khăn, đưa các dự án chậm triển khai vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư.

Đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội: Đảm bảo các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị, quốc tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại quan trọng…

 

Bảo Bình