TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU
Ngày 3/2/2025 (tức ngày 6 tháng Giêng, năm Ất Tỵ), lễ tế và rước chính tại Lễ hội Cổ Loa đã diễn ra trang trọng, thành kính, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia.
Từ sáng sớm, hoạt động rước và dâng hương đã diễn ra trong không khí tươi vui. |
Mùa xuân là mùa của lễ hội, và trong số hàng trăm lễ hội lớn nhỏ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, Lễ hội Cổ Loa là một trong những lễ hội có quy mô lớn và mang giá trị lịch sử sâu sắc. Được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa (huyện Đông Anh), lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn của vua An Dương Vương – người đã lập nên Nhà nước Âu Lạc, nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Theo truyền thuyết, ngày 6 tháng Giêng là ngày vua An Dương Vương nhập cung, và ngày 9 tháng Giêng là ngày ông tổ chức lễ đăng quang và khao quân. Vì vậy, ngày 6 tháng Giêng đã được chọn làm ngày chính hội của Lễ hội Cổ Loa, một truyền thống đã tồn tại hàng nghìn năm, được nhân dân gìn giữ và bảo tồn qua nhiều thế hệ. Lễ hội không chỉ là dịp tri ân công lao của vị vua khai quốc mà còn góp phần giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và đạo lý "uống nước nhớ nguồn".
Một trong những điểm độc đáo của lễ hội là sự tham gia của nhiều thế hệ, từ người già đến trẻ em, cũng như sự quy tụ của Bát xã Loa Thành – bao gồm các làng Cổ Loa, Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sát, Đài Bi, Cầu Cả và Thư Cưu. Các làng này cùng nhau rước kiệu về đền Cổ Loa để thờ phụng vua An Dương Vương, sau đó rước kiệu về làng và tổ chức lễ hội riêng. Đến ngày 18 tháng Giêng, lễ hội chính thức khép lại.
Phần lễ có nghi thức rước kiệu vào đền An Dương Vương. Đoàn rước xuất phát từ đền Thượng, vòng quanh giếng Ngọc, rồi đi theo đường chân thành Nội tới đình Ngự Triều. Ngoài tám kiệu của Bát xã, đoàn rước còn có ngựa hồng, ngựa bạch, cờ quạt và các bộ vũ khí truyền thống như cung, tên, nỏ – những vật phẩm được đưa vào đền thờ trong nghi thức tế lễ. Trong đó, làng Quậy – vốn là dân bản xứ Loa Thành – được vinh dự làm lễ đọc "Mật khẩn" ở chiếu trên.
Phần hội mang đậm sắc màu văn hóa dân gian với các hoạt động như múa rối nước, hát quan họ trên thuyền rồng tại giếng Ngọc, chơi đu tiên, cờ người, đấu vật, bắn nỏ... Ngày nay, lễ hội còn được bổ sung thêm các chương trình nghệ thuật đặc sắc và các giải đấu thể thao như giải bóng chuyền cúp Loa Thành, giải vật dân tộc.
Lễ hội Cổ Loa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể từ năm 2021. Năm nay, lễ hội diễn ra trong không khí long trọng với sự tham dự của lãnh đạo thành phố, huyện Đông Anh cùng đông đảo nhân dân và du khách.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám nhấn mạnh: “Lễ hội Cổ Loa Xuân Ất Tỵ năm 2025 là dịp để cổ vũ, động viên nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quảng bá tiềm năng du lịch của Đông Anh và gìn giữ di sản văn hóa truyền thống.”
Một điểm mới của lễ hội năm nay là 100% các điểm kinh doanh dịch vụ được di dời ra khỏi khu vực tổ chức, đảm bảo không gian lễ hội xanh, sạch, đẹp. Ban tổ chức cũng ra mắt chuyên trang trực tuyến về du lịch Cổ Loa và tăng cường tuyên truyền trên các nền tảng số nhằm quảng bá tuyến du lịch di sản vùng đất Cổ Loa.
Lễ hội Cổ Loa không chỉ là một hoạt động tín ngưỡng mà còn là biểu tượng của nền văn minh Việt cổ, góp phần khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa và tinh thần của dân tộc Việt Nam. Đây là một sự kiện quan trọng, giúp kết nối cộng đồng và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống giữa lòng Thủ đô Hà Nội.
Bảo Bình
thông báo
- Tăng cường tuyên truyền pháp luật về một số mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ từ ngày 01/01/2025
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô đã được ban hành
- Truyền thông, phổ biến các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8; Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật dịp Tết Ất Tỵ 2025 và một số vấn đề dư luận quan tâm