TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU

Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp sẽ được cải tạo thành nhà ở xã hội cho thuê
Ngày đăng 05/11/2024 | 08:16  | Lượt xem: 22

Văn phòng UBND TP Hà Nội mới có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP tại cuộc họp về tình hình triển khai một số dự án đầu tư kéo dài, chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn.

Trong đó, đáng chú ý, liên quan đến Dự án xây dựng Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp, về chuyển đổi các hạng mục A2, A3, A4 sang nhà ở xã hội cho thuê, Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố khẩn trương thực hiện lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tổ chức thẩm định, trình HĐND TP xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp đầu năm 2025;

Trên cơ sở đó, hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 trong năm 2026, hoàn thành đầu tư xây dựng tòa A4 chậm nhất trong năm 2027.

Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp sau nhiều năm không sử dụng sẽ được chuyển đổi thành NƠXH. Ảnh: Doãn Thành Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp 

Yêu cầu mới nhất được lãnh đạo Hà Nội đưa ra trong bối cảnh thủ đô ngày càng thiếu nhà ở vừa túi tiền cho người dân. Hà Nội phải xây 18.700 căn nhà ở xã hội đến 2025, nhưng mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn) và 5 dự án xây dựng xong, với 5.200 căn, đạt gần 37% mục tiêu.

Vì vậy, thành phố yêu cầu nhà đầu tư tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Đông Anh trong công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại, hoàn thành dứt điểm trong năm nay. Nếu sau ngày 15/11, nhà đầu tư không nộp đủ hồ sơ điều chỉnh chủ trương (gia hạn tiến độ), đơn vị này phải thực hiện đầu tư đúng như các nội dung đã được duyệt.

Với dự án Tổ hợp hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa tại 148 Giảng Võ, Hà Nội yêu cầu các sở Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hồ sơ thẩm định chấp thuận chủ trương, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Các đơn vị này phải trình UBND thành phố giải quyết để chấp thuận nhà đầu tư trước ngày 15/11.

Tại dự án Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, Hà Nội đề nghị quận Hoàng Mai tập trung cải tạo, sửa chữa toà CT1, CT2, CT3 để hoàn thành trong quý II/2025. Sau đó, công trình này được dùng để bố trí tái định cư cho dự án đường Tam Trinh. Các toà CT4, CT5 sẽ được tiếp tục triển khai bằng nguồn vốn đầu tư công.

Khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp được xây dựng trên khu đất rộng 40.000 m2, nằm ngay sát cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Giải Phóng. Công trình gồm 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6), cao trung bình 17 tầng.

Tuy nhiên, hơn chục năm xây dựng, hiện chỉ có ba tòa nhà A1, A5 và A6 hoàn thành. Trong đó, tòa A4 chưa thi công do thiếu mặt bằng, tòa A2, A3 dừng lại ở phần thô.

Năm 2017, Sở Xây dựng đã đề xuất chuyển tòa A2, A3 thành nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến năm ngoái, UBND TP Hà Nội lên kế hoạch dành hơn 220 tỷ đồng để thực hiện việc này.

Trước đó, ngày 30/10, chủ trì cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, dù nguyên nhân chủ quan hay khách quan, các dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố cũng đã có dấu hiệu lãng phí, nhất là lãng phí về thời gian.

TS. Trần Huy Ánh - Uỷ viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhận định, sau hơn 10 năm, chỉ có 2 trong số 6 tòa nhà cao tầng có sinh viên thuê ở nhưng với số lượng học sinh rất ít cho thấy việc khai thác ký túc xá này chưa hiệu quả.

"Các tòa nhà bị bỏ hoang rất lãng phí, trong khi nguồn lực của thành phố thì hạn hẹp, nhu cầu của sinh viên về ký túc xá rất lớn nhưng nơi cần thì không có, nơi có lại trở thành vô nghĩa như vậy. Tìm cách hoá giải tình trạng lãng phí đang diễn ra tại ký túc xá bỏ hoang này là điều nên làm, nhưng cần phải tính toán tới quy trình chuyển đổi công năng, tính toán việc vận hành, quản trị công trình sao cho hợp lý. Việc chuyển đổi công năng ký túc xá sinh viên thành nhà ở xã hội phải tính đến rất nhiều yếu tố phù hợp với nhu cầu cuộc sống của cư dân đô thị, đặc biệt là những tiện ích điện, đường, trường, trạm đi kèm", KTS. Trần Huy Ánh nói.

Cùng với việc đồng bộ hạ tầng thì cũng cần nghĩ tới mô hình quản trị phù hợp, vừa đảm bảo về kinh tế, vừa đảm bảo về xã hội, tiết kiệm ngân sách nhà nước và tránh lãng phí. Việc chuyển đổi hạ tầng phụ trợ và các khu chức năng đủ để trở thành các căn hộ khép kín, tiện nghi sẽ là bài toán không dễ với các nhà quản lý, nhưng nếu chuyển đổi được thì sẽ khai thác hiệu quả hơn công trình, tránh lãng phí những tòa nhà nghìn tỷ ở Thủ đô.

BÌNH LIÊN