TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU
Ngày 10/12, tại Kỳ họp lần thứ 20, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định bổ sung về phí thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng trên địa bàn TP Hà Nội
Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng trình bày tờ trình tại Kỳ họp.
Nghị quyết này quy định bổ sung về phí thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng trên địa bàn TP. Hà Nội đã được quy định tại Nghị quyết số 16/2023/NQ- HĐND ngày 6/12/2023.
Về mức thu phí, đối với Bảo tàng Hà Nội 50.000 đồng/ lượt/ khách. Đối với Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội: Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm) 30.000 đồng/lượt/khách; Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây) 30.000 đồng/lượt/khách.
Thời gian thực hiện, sau khi Nghị quyết của HĐND TP có hiệu lực thi hành và dự kiến từ 1/1/2025.
Theo Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội, việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các chương trình, kế hoạch đảm bảo lộ trình tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm đảm bảo triển khai các hoạt động của đơn vị và phù hợp với tình hình thực tế, giảm ngân sách Nhà nước chi cho các hoạt động đơn vị sự nghiệp công, nâng cao quyền tự chủ của đơn vị, tạo động lực và thúc đẩy sự phát triển của việc cung cấp sản phẩm dịch vụ công, thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của công chúng.
Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bao gồm cả việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết kiệm ngân sách, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Đây là động lực để cán bộ, viên chức, người lao động của các đơn vị tích cực phấn đấu, đổi mới hoạt động và nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn, đem đến chất lượng dịch vụ ngày càng tốt hơn phục vụ công chúng khi tới thăm quan các điểm di tích.
Nghị quyết quy định đối tượng miễn thu phí gồm: Người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật người khuyết tật. Trẻ em, người dưới 16 tuổi.
Trường hợp khó xác định là người dưới 16 tuổi thì chỉ cần có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh được là người dưới 16 tuổi như (giấy khai sinh, thẻ học sinh). Trường hợp không có giấy tờ để xác định dưới 16 tuổi thì áp dụng chiều cao dưới 1,6m.
Về đối tượng giảm 50% mức phí gồm: người khuyết tật nặng theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật người khuyết tật. Người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên có thẻ người cao tuổi (hoặc thẻ căn cước công dân/các loại giấy tờ khác chứng minh).
Ngoài ra, học sinh, học viên, sinh viên từ 16 tuổi trở lên có thẻ học sinh, học viên, sinh viên do các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam cấp. Các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa (trường hợp khó xác định thì chỉ cần có giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú). Đối với người thuộc diện hưởng từ 2 trường hợp ưu đãi trên trở lên thì chỉ giảm 50% mức phí.
Thời gian không thu phí: đối với tất cả các di tích, công trình văn hóa, bảo tàng không thu phí ngày di sản văn hóa 23/11; bảo tàng Hà Nội, không thu phí ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5.
Bảo Bình
thông báo
- Tăng cường tuyên truyền pháp luật về một số mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ từ ngày 01/01/2025
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô đã được ban hành
- Truyền thông, phổ biến các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8; Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật dịp Tết Ất Tỵ 2025 và một số vấn đề dư luận quan tâm