TIN TỨC - SỰ KIỆN TIÊU BIỂU

"Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng cao..."
Ngày đăng 11/11/2024 | 17:04  | Lượt xem: 72

Chiều 11/11 - sau phiên chất vấn về lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội chuyển sang phần chất với với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo việc cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cảm ơn Quốc hội, các ĐBQH đã tạo điều kiện để Bộ Y tế có cơ hội được báo cáo, giải trình về những vấn đề cử tri, Nhân dân và các ĐBQH quan tâm, cũng như có cơ hội được trình bày những tâm tư, nguyện vọng, mong mỏi của đội ngũ cán bộ y tế cả nước sau một khoảng thời gian đầy khó khăn, thách thức đối với ngành.

Thay mặt đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trên cả nước, Bộ trưởng trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các cấp ủy đảng chính quyền địa phương và các ĐBQH đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ tạo điều kiện, động viên, chia sẻ. Đồng thời, trân trọng cảm ơn cử tri cả nước đã quan tâm chia sẻ, đóng góp ý kiến tâm huyết để ngành y tế vượt qua khó khăn, dần ổn định và hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã mang đến  và giới thiệu các đại biểu Quốc hội một số sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang được bán trên thị trường.

Nhấn mạnh "sức khỏe là vốn quý nhất của người dân và xã hội, với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý về y tế, ý thức được vai trò và trọng trách của mình", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế luôn tập trung tham mưu, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về y tế, với mục tiêu xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với yêu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, bảo đảm an ninh y tế, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, già hóa dân số và các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Bộ trưởng cũng khẳng định, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tham mưu và triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của ngành; xây dựng các dự án luật trình Quốc hội; xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật, định hướng phát triển của ngành trong giai đoạn tới.

Đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, như vấn đề tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; mua sắm đấu thầu thuốc, vaccine, vật tư y tế; vấn đề bảo hiểm y tế; chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế… Quyết liệt chỉ đạo việc cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh để khắc phục tồn tại, giảm phiền hà, tăng cường tính công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp, Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm y tế.

Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận, ngành y tế còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, nỗ lực hơn nữa để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đáp ứng sự tin tưởng, mong đợi của cử tri và người dân.

Với những yêu cầu chất vấn tại Kỳ họp này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã có báo cáo 22 trang gửi tới các ĐBQH. Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nghiêm túc và thẳng thắn, cầu thị, Bộ trưởng trân trọng nghe các vấn đề ĐBQH, cử tri và nhân dân quan tâm

Tại buổi chất vấn, nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) phản ánh, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang là mối nguy hiểm cho sức khoẻ con người, nhất là đối với thanh thiếu niên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đánh giá về thực trạng này và giải pháp kiểm soát tình hình này?

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, liệu có thể thực hiện được việc xây dựng và nhân rộng mô hình hỗ trợ cai nghiện thuốc lá và chất kích thích cho trẻ em ở các địa phương hay không?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhắc lại, trước kia, khi xây dựng Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, thực tế chưa xuất hiện các loại thuốc lá mới như thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử. Nhưng gần đây, các sản phầm này xuất hiện nhiều trên thị trường, số người sử dụng thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử tăng nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hại, nhất là với giới trẻ.

Qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi.

Tại Nghị trường, Bộ trưởng Đào Hồng Lan tìm một số sản phẩm thuốc lá điện tử mà bà mang theo, với màu sắc và hình dáng rất phong phú, để đưa ra trước Quốc hội.Bộ trưởng Đào Hồng Lan giơ lên một số mẫu thuốc lá điện tử bắt mắt để minh chứng về sự nguy hiểm của sản phẩm này

“Có ai nghĩ đây là thuốc lá điện tử không?” - Bộ trưởng Y tế giơ một mẫu sản phẩm thuốc lá điện tử với hình dáng như một búp bê nhỏ và đặt câu hỏi với các ĐBQH. Theo bà, các sản phẩm này rất bắt mắt, hấp dẫn và thu hút giới trẻ.

Tiếp đó, bà Lan dẫn ra nhiều số liệu để phân tích về những tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá trình Quốc hội. Trong đó, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết tình trạng buôn bán thuốc lá điện tử làm ảnh hưởng đến người dân, hướng tới cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng bằng một nghị quyết của Quốc hội, trước khi sửa đổi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá...

Tiếp tục trả lời câu hỏi về hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho người dân nói chung và thanh thiếu niên nói riêng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ đã thành lập Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá. Trong các nhóm nhiệm vụ của Quỹ, có nhóm nhiệm vụ về thành lập, tổ chức mạng lưới cai nghiện thuốc lá để thiết lập việc hỗ trợ người dân thực hiện cai nghiện thuốc lá.

Về phía Bộ Y tế, Bộ đã tổ chức được 24 điểm tham gia vào mạng lưới cai nghiện thuốc lá, tại các bệnh viện trực thuộc Bộ. Riêng Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức 1 Trung tâm cai nghiện thuộc bệnh viện và thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các bệnh viện trong cả nước về vấn đề này.

Thanh Lam