TIN MỚI

Rà soát, quy định rõ ràng về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay
Ngày đăng 10/09/2024 | 17:26

Thảo luận về dự án Luật Phòng không nhân dân tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay.

Thảo luận về dự án Luật Phòng không nhân dân tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) cho rằng, quy trình cấp phép cho thiết bị bay không người lái hiện nay khá phức tạp, đặc biệt là đối với các thiết bị bay không người lái sử dụng cho mục đích dân sự, thương mại hoặc giải trí, điều này có thể làm ảnh hưởng chậm trễ đến hoạt động kinh doanh hoặc nghiên cứu liên quan đến tàu bay không người lái.

“Hiện tại việc quản lý tàu bay không người lái vẫn còn thiếu một cơ sở dữ liệu tập trung và đồng bộ. Điều này gây khó khăn cho việc giám sát, cấp phép và theo dõi các hoạt động của tàu bay không người lái.

Do đó, tôi đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định đơn giản hóa hơn quy trình cấp phép, đặc biệt là đối với các tàu bay không người lái có mục đích sử dụng rõ ràng và ít rủi ro. Cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung cho phép các cơ quan quản lý và người dùng đăng ký, tra cứu và quản lý tàu bay không người lái một cách nhanh chóng, hiệu quả”, đại biểu Thạch Phước Bình nói.

Đại biểu tỉnh Trà Vinh cũng cho rằng, việc phân loại tàu bay không người lái dựa trên mục đích sử dụng, kích thước, trọng lượng và khả năng hoạt động còn chưa rõ ràng, dẫn đến có thể xảy ra sự nhầm lẫn và khó khăn trong quản lý. Mặt khác, các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho tàu bay không người lái có thể không bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ dẫn đến việc áp dụng các quy định này sẽ không phù hợp.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần cập nhật và cụ thể hóa vào dự thảo Luật các phân loại tàu bay không người lái, bao gồm tàu bay không người lái dân sự, tàu bay không người lái quân sự, tàu bay không người lái thương mại và giải trí để các quy định này được áp dụng chi tiết, rõ ràng hơn.

Bên cạnh đó, hiện tại hệ thống giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu theo dõi và quản lý tàu bay không người lái trong không phận, đặc biệt là các khu vực đông dân cư hoặc nhạy cảm về an ninh. Việc tàu bay không người lái dễ dàng tiếp cận và sử dụng mà không được giám sát chặt chẽ có thể gây ra rủi ro về an ninh, đặc biệt là trong các khu quân sự và các sự kiện quan trọng.

Vì vậy, cần có các quy định về việc phát triển hệ thống giám sát không phận tiên tiến, cho phép theo dõi và kiểm soát hoạt động tàu bay không người lái một cách liên tục và toàn diện, thiết lập các khu vực cấm bay rõ ràng và yêu cầu trang bị hệ thống định vị, cảnh báo để ngăn chặn tàu bay không người lái xâm nhập vào các khu vực nhạy cảm. Đồng thời, cần bổ sung, quy định về vùng cấm bay.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị phải xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương và chính quyền địa phương trong việc giám sát, quản lý và xử lý các vi phạm liên quan đến tàu bay không người lái, giúp đảm bảo việc quản lý vùng cấm hay diễn ra hiệu quả và nhất quán.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) đồng tình với việc các quy định liên quan đến đăng ký, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ được tách thành 3 điều: Điều 28 gồm các chế định về đăng ký thiết bị bay không người lái và thiết bị bay siêu nhẹ; Điều 29 quy định về cấp phép đối với thiết bị bay không người lái và thiết bị bay siêu nhẹ; Điều 30 quy định về việc phân loại, điều kiện khai thác, sử dụng thiết bị bay không người lái, thiết bị bay siêu nhẹ.

Theo đại biểu, việc phân định, phân cấp để phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân và tổ chức sử dụng, khai thác tàu bay không người lái cũng như thiết bị bay siêu nhẹ trong các lĩnh vực gắn với đời sống xã hội thường ngày như sản xuất nông nghiệp, văn hóa, văn học, nghệ thuật, vui chơi giải trí... nhưng phải bảo đảm về quản lý quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Lâm Đồng cho biết, ông băn khoăn vì dự thảo Luật chưa đề cập đầy đủ về chế định chế tạo tự phát thiết bị bay không người lái và thiết bị bay siêu nhẹ. Thực tế, nhiều người đã nghiên cứu, chế tạo thiết bị bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để phục vụ trực tiếp đến lĩnh vực của mình, khai thác và sử dụng trong đời sống thường ngày, như trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể từ phun thuốc sâu sang rải phân, sang phòng cháy, chữa cháy hoặc trong quản lý, bảo vệ rừng, trong văn hóa và nghệ thuật...

Theo đại biểu Nguyễn Tạo, trong quá trình tự phát chế tạo, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý trật tự, an toàn xã hội cũng như trong lĩnh vực về bảo vệ an ninh, quốc phòng. Do đó, cần nghiên cứu thiết kế thêm một điều quản lý về chế tạo trong lĩnh vực này.

Mai Chi