TIN MỚI

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Ngày đăng 14/11/2024 | 19:41

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Các chính sách liên quan đến bảo  hiểm thất nghiệp được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Các chính sách liên quan đến bảo  hiểm thất nghiệp được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.

Bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, giai đoạn 2015 - 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm (bình quân tăng khoảng trên 6%/năm), đến năm 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 31,5% lực lượng lao động lao động trong độ tuổi. Do đó, để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp là một thách thức lớn.

Luật Việc làm hiện hành quy định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, chưa quy định người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).

Mặt khác, Luật cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian và một số đối tượng có hưởng lương khác chưa thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng hiện nay đang thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ.

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên; Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Giai đoạn 2015 - 2023, cả nước có 256.350 người được hỗ trợ học nghề, bình quân 28.483 người/năm. Chế độ hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Việc làm 2013 mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động...

Hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp trên cơ sở nguyên tắc “đóng - hưởng

Phát biểu tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo hiểm thất nghiệp, nhất là bù đắp thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm mới phù hợp, sớm đưa người lao động trở lại thị trường lao động.

“Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp - đề nghị này rất thách thức nhưng phải cố gắng để thực hiện cho được. Luật này cần có giải pháp để bảo đảm tính khả thi của quy định, tăng số lượng người tham gia để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp như xác định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cho rằng, dự thảo Luật Việc làm lần này có quy định khá nhiều đối tượng ưu tiên như người khuyết tật, người cao tuổi, học sinh, sinh viên, hộ nghèo, hộ cận nghèo,… tuy nhiên chưa có chính sách ưu tiên cho nữ giới. Vì vậy, Ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu bổ sung cho phù hợp.

Liên quan tới đóng bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo Luật quy định trường hợp, người sử dụng lao động không còn khả năng đóng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại tiền mà người lao động đã đóng.

Đại biểu Dương Khắc Mai bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của quy định này khi áp dụng vào thực tiễn chưa cao. Trong trường hợp vẫn giữ quy định này, đại biểu đề nghị phải có thời hạn giữ, thời hạn trả tiền cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn tỉnh Tiền Giang) đề cập đến quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo quy định của pháp luật về lao động, người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức thì không được nhận tiền trợ cấp thôi việc.

Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, đại biểu đề nghị cân nhắc bỏ quy định trên để tạo điều kiện người lao động được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp trên cơ sở nguyên tắc “đóng - hưởng”.

Bảo Khánh