TIN MỚI
Trong tuần qua, từ ngày 15 đến ngày 22/11, Hà Nội ghi nhận 496 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm nhẹ 4 trường hợp so với tuần trước. Mặc dù vậy, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khi có 24 ổ dịch mới được ghi nhận tại 11 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Trong đó, quận Hà Đông và Nam Từ Liêm là những khu vực có số ổ dịch mới nhiều nhất.
Lãnh đạo CDC Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.
Một số phường, xã ghi nhận số ca mắc cao bao gồm: Đại Mỗ và Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm), thị trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên), Trung Hòa (quận Cầu Giấy), Quang Trung và Dương Nội (quận Hà Đông), Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) và Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân).
Theo nhận định từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Đáng chú ý, kết quả giám sát tại một số ổ dịch cho thấy chỉ số côn trùng sau khi xử lý vẫn vượt ngưỡng nguy cơ, làm tăng khả năng xuất hiện thêm bệnh nhân và ổ dịch mới trong thời gian tới.
Ngoài sốt xuất huyết, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh truyền nhiễm khác. Trong tuần qua, thành phố ghi nhận 28 ca mắc bệnh sởi, trong đó có 26 trường hợp chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Bệnh sởi có xu hướng lan rộng, tập trung ở nhóm người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đầy đủ.
Tình hình các bệnh khác như tay chân miệng và ho gà cũng được ghi nhận. Trong tuần, có 29 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm 5 ca so với tuần trước. Thành phố cũng báo cáo thêm một ca mắc ho gà tại quận Thanh Xuân, nâng tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay lên 140 trường hợp, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2023.
Trước thực trạng này, CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh. Công tác giám sát, điều tra và xử lý ổ dịch được thực hiện thường xuyên tại các khu vực có bệnh nhân. Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết, các hoạt động kiểm tra và xử lý đang tập trung tại các ổ dịch như Nhật Tân (quận Tây Hồ), Hữu Hòa (huyện Thanh Trì) và Tiền Phong (huyện Mê Linh).
Trong khi đó, để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi, các trung tâm y tế quận, huyện đã được chỉ đạo tăng cường rà soát tình trạng tiêm chủng của trẻ từ 1 đến 5 tuổi, tổ chức tiêm bổ sung cho những trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine.
Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống dịch bệnh. Người dân được khuyến cáo vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng – nơi muỗi dễ sinh sản, và chủ động tiêm phòng vaccine theo lịch trình của ngành y tế.
Trong bối cảnh mùa đông xuân – thời điểm thuận lợi cho sự bùng phát của nhiều bệnh truyền nhiễm, CDC Hà Nội khuyến nghị người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng bệnh. Các biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả như vệ sinh nhà cửa, sử dụng màn chống muỗi và duy trì lịch tiêm chủng đầy đủ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn góp phần kiểm soát dịch bệnh trên toàn thành phố.
Hà Nội đang nỗ lực hết mình để kiểm soát dịch bệnh, nhưng sự chung tay của cộng đồng là yếu tố không thể thiếu để chiến thắng dịch bệnh trong thời gian tới.
Hướng dẫn vệ sinh môi trường để phòng chống sốt xuất huyết:
1. Diệt lăng quăng/bọ gậy
Tổ chức các hoạt động diệt lăng quăng/bộ gậy thường xuyên đến từng hộ gia đình thông qua hoạt động của cộng tác viên y tế, học sinh và các tổ chức quần chúng (dùng hóa chất diệt ấu trùng muỗi, thả cá, đậy nắp, loại bỏ vật dụng phế thải...)
2. Xử lý dụng cụ chứa nước (chum vại, bể nước mưa, cây cảnh...)
Dùng các biện pháp ngăn ngừa muỗi sinh đẻ (có nắp đậy thật kín...); thả cá hoặc các tác nhân sinh học khác trong dụng cụ chứa nước; lật úp các dụng cụ gia đình như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm; khơi thông những vị trí có nước tù đọng, dọn rửa thường xuyên dụng cụ chứa nước lâu ngày.
3. Loại trừ ổ bọ gậy
Đối với bẫy kiến, lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh hoặc điều hòa nhiệt độ: Dùng dầu hoặc cho muối vào, thay nước 1 lần/tuần, cọ rửa thành dụng cụ chứa nước để diệt trứng muỗi truyền bệnh; thu dọn, phá hủy các ổ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo (chai, lọ, lu, vò vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa...); các hốc chứa nước tự nhiên (hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa...): loại bộ, lấp kín, chọc thủng hoặc làm biến đổi; sử dụng hóa chất diệt ấu trùng muỗi tại các ổ đọng nước như: các hố ga ngăn mùi, bể cảnh, lọ hoa...; phát quang bụi rậm.
4. Phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng
Chủ động triển khai phun hóa chất diệt muỗi kết hợp với chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy ngay từ khi có nguy cơ nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát.
Hà Nguyên
trao đổi kinh nghiệm
- Cảnh giác ứng dụng AI kết hợp sử dụng DeepFake, DeepVoice... làm giả thông tin để lừa đảo
- Khuyến cáo đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong sử dụng điện tại cơ sở, hộ gia đình
- Cảnh giác với thủ đoạn lừa cài app ngân hàng giả mạo
- Khuyến cáo các biện pháp an toàn PCCC trong thời điểm mùa hanh khô