TIN MỚI

Cần quy định trách nhiệm của các đoàn thể chính trị xã hội trong tuyên truyền phòng chống mua bán người
Ngày đăng 19/09/2024 | 08:10

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã góp ý cần cụ thể thể, rõ ràng hơn về việc thành lập cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, bảo mật thông tin nạn nhân…

Quan tâm đến vấn đề thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) góp ý, Dự thảo đang quy định giao Chính phủ quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập các cơ sở cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội. Tuy nhiên nên xem xét luật hóa nội dung này, đặc biệt là các quy định về điều kiện thành lập.

Bên cạnh đó, về việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu trong quá trình tiếp nhận, xác minh người đến trình báo là nạn nhân, dự thảo Luật quy định “Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận người đến khai báo có căn cứ cho rằng mình là nạn nhân theo quy định của luật này”. Theo đại biểu tỉnh Hải Dương, để các địa phương có căn cứ, cơ chế thực hiện nhiệm vụ này, cần giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định bố trí kinh phí cho nhiệm vụ này.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, các chi phí về hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại của nạn nhân, của người đang trong giai đoạn xác minh là nạn nhân cũng nên giao cho Hội đồng nhân dân địa phương quy định bố trí trong khả năng ngân sách địa phương có thể, theo mức khung do Chính phủ quy định, như thế sẽ thuận lợi hơn cho các địa phương và các địa phương cũng có căn cứ để chi khoản này.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn tỉnh Bạc Liêu) đồng tình với việc bổ sung trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng, chống mua bán người. Ngoài ra, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định đối với các đoàn thể chính trị xã hội khác, nên có trách nhiệm trong việc tham gia tuyên truyền, phòng chống, vận động đối với đoàn viên, hội viên của mình cũng như người thân trong việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) góp ý, về tiết lộ thông tin nạn nhân, cần nhấn mạnh hơn mức độ bảo mật thông tin và có chế tài nghiêm khắc hơn đối với các hành vi tiết lộ thông tin gây hại cho nạn nhân, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Về khái niệm “giả mạo nạn nhân”, cần có biện pháp kiểm tra và xác minh nạn nhân một cách chặt chẽ, bảo đảm chỉ những người thực sự bị xâm hại thì mới được bảo vệ theo quy định pháp luật, tránh việc lợi dụng quy định để trục lợi cá nhân...

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn tỉnh Đắk Nông) cho rằng, theo dự thảo Luật, cơ sở hỗ trợ nạn nhân do tư nhân thành lập trên cơ sở trình tự, thủ tục và được thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ đối với nạn nhân và người sẽ được xác định là nạn nhân. Tuy nhiên, 10 năm qua, trên cả nước chưa có một cơ sở hỗ trợ nạn nhân nào được thành lập. Lý do là phải có cung thì mới có cầu.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có những năm trung bình tiếp nhận khoảng 200 đến 300 nạn nhân và năm cao nhất tiếp nhận khoảng 700 nạn nhân. Các cơ sở trợ giúp xã hội đã tiếp nhận đối với các nạn nhân này và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của luật hiện hành.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Trường Giang băn khoăn có nên tiếp tục quy định mô hình cơ sở hỗ trợ nạn nhân hay không và cho hay, với quan điểm của ông không nên quy định mô hình này. Vì tư nhân làm thì cũng là nguồn lực của xã hội. Theo ông, trong trường hợp tổ chức, cá nhân cần hỗ trợ đối với nạn nhân của nạn mua bán người, thì nên có một cơ chế để họ cùng với cơ sở cơ sở trợ giúp xã hội để thực hiện hỗ trợ đối với nạn nhân và tập trung nguồn lực vào đây thì tốt hơn...

Theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới (tháng 10/2024).

Mai Chi