TIN MỚI

Đề xuất shipper phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Ngày đăng 31/03/2024 | 21:16

Đề nghị quy định trong dự thảo Luật giao cho Chính phủ có lộ trình cụ thể, từ năm 2026 áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm lao động công nghệ như lái xe Grab, shipper...

Tai hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 vừa qua, các đại biểu chuyên trách đã cho ý kiến vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó có vấn đề mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo Dự thảo Luật trình các đại biểu, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với người lao động là công dân Việt Nam sẽ được mở rộng hơn so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 hiện hành.

Cụ thể, các nhóm đối tượng sau sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:  Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh...

Đại biểu Ma Thị Thúy, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, tại khoản 6 Điều 3 của dự thảo Luật có quy định: “Việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các đối tượng khác thu nhập ổn định, thường xuyên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ”. Theo đại biểu, quy định do “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định” là không phù hợp, vì đây là thẩm quyền quản lý nhà nước của Chính phủ.

 “Trên thực tế tôi thấy các đối tượng có thu nhập ổn định ở ngoài xã hội, ví dụ như các nhóm lao động công nghệ như người lái xe Grap, shipper hoặc các đối tượng bán hàng online... rất đông, phải vài trăm nghìn lao động trẻ và đa số công việc này tương đối ổn định, thu nhập thậm chí còn cao hơn cả nhóm lao động phổ thông làm việc trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay tôi thấy Chính phủ vẫn chưa có giải pháp kịp thời để đưa đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi dự thảo Luật thì lại giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, như vậy là không phù hợp, bởi vì thẩm quyền này là thẩm quyền quản lý nhà nước của Chính phủ”, đại biểu phân tích.

Vì vậy, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị quy định trong dự thảo Luật giao cho Chính phủ có lộ trình cụ thể, từ năm 2026 áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm lao động công nghệ như lái xe Grab, shipper...

Cũng quan tâm đến việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn tỉnh Bạc Liêu) thống nhất với việc mở rộng đối tượng tham gia như dự thảo Luật được trình.

Tuy nhiên, với đối tượng như người lao động không xác định thời hạn, người lao động hoạt động trong ban chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố, chủ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên và người đại diện phần vốn doanh nghiệp tại công ty mẹ và quản lý, điều hành hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương... thì cần tiếp tục làm rõ một số vấn đề.

Bởi theo đại biểu, đây là các đối tượng có thu nhập bấp bênh, để phù hợp với thực tiễn, cần tham vấn đối tượng này để xem khả năng đóng góp và sự tham gia của họ đến mức độ nào.

“Với lực lượng không chuyên trách, thì cơ quan nào chịu trách nhiệm nộp bảo hiểm? Căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với người tham gia bảo hiểm bắt buộc là căn cứ trên tiền lương, trong khi đó đối với cán bộ không chuyên trách thì chỉ được hưởng mức phụ cấp, vậy cơ chế đóng, hưởng như thế nào”, đại biểu Trần Thị Hoa Ry băn khoăn.

Mai Chi