TIN MỚI
Việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức, tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của khối nhà giáo.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Các vấn đề về tuyển dụng, các chính sách xếp lương, ưu đãi cho nhà giáo... được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.
Quan tâm tới quy định về tuyển dụng nhà giáo, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum) nhận thấy, dự thảo Luật đã trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng.
Đại biểu cho rằng việc trao quyền như vậy sẽ tạo cơ sở cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tuyển dụng nhà giáo đáp ứng yêu cầu ngành giáo dục cũng như chủ động trong điều phối biên chế, điều phối nhà giáo của ngành giáo dục.
Đại biểu cũng nhấn mạnh giáo dục có vai trò quan trọng và nhà giáo là trung tâm, là người quyết định chất lượng đào tạo, giáo dục con người, trực tiếp tác động, truyền thụ tư duy, tư tưởng, kiến thức của các thế hệ người học.
Do vậy, đòi hỏi cao ở nhà giáo không chỉ về đạo đức, chuẩn mực, mô phạm, sự hiểu biết, tính sáng tạo mà còn đòi hỏi về phẩm chất, tư tưởng chính trị của nhà giáo. Phẩm chất chính trị, tư tưởng nhà giáo là nhân tố cơ bản giữ vai trò chủ đạo, định hướng sự phát triển đạo đức của đội ngũ nhà giáo.
Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ và các trí thức khoa học mà còn là nơi rèn luyện, truyền thụ phẩm chất, nhân cách của người học. Từ phân tích trên, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng vào dự thảo Luật.
Đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) cho rằng việc ban hành Luật Nhà giáo là hết sức cần thiết, vừa đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo, vừa phù hợp với điều kiện thực tế về xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Góp ý về thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, từ thực tiễn, kinh nghiệm quản lý trong ngành giáo dục, đại biểu Trần Văn Thức cho biết, hiện trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đang ngày càng trầm trọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì, nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
Việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức, tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của khối nhà giáo.
Đại biểu đồng tình và thống nhất cao với những quy định giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng nhà giáo và nhấn mạnh, đây là quy định rất quan trọng, có thể tháo gỡ ngay các vấn đề khó khăn về thừa thiếu giáo viên tại các địa phương.
Theo dự thảo Luật Nhà giáo, tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh, trừ khi có thỏa thuận khác.
Thảo luận tại nghị trường, đại biểu Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn tỉnh Đắk Nông) tán thành việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp. Đại biểu đề nghị song song với việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo.
Đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) cho rằng, quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Do đó, đại biểu đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, đảm bảo mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Đồng thời, tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50 đến 100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương. Quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, đảm bảo công bằng, hiệu quả.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội nhấn mạnh, đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, trong khi đó, chúng ta đang áp bảng lương đội ngũ viên chức cho đội ngũ nhà giáo. Theo đại biểu, kể cả có nâng thành mức cao nhất trong bảng thì vẫn là không phù hợp.
Vì vậy, cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo. Cần quy định nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội như đối với sĩ quan trong quân đội. Chế độ tiền lương cần bù đắp thỏa đáng hao phí lao động, để nhà giáo yên tâm công tác...
Mai Chi
trao đổi kinh nghiệm
- Cảnh giác ứng dụng AI kết hợp sử dụng DeepFake, DeepVoice... làm giả thông tin để lừa đảo
- Khuyến cáo đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trong sử dụng điện tại cơ sở, hộ gia đình
- Cảnh giác với thủ đoạn lừa cài app ngân hàng giả mạo
- Khuyến cáo các biện pháp an toàn PCCC trong thời điểm mùa hanh khô