HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Tự hào “Hành trình xây dựng và phát triển” của Thủ đô và Công đoàn
Ngày đăng 02/10/2024 | 10:06  | Lượt xem: 88

Hội thi “Công đoàn Hà Nội - Hành trình xây dựng và phát triển” không những mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, mà còn là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua của tổ chức Công đoàn, từ những ngày đầu thành lập đến những thành tựu đáng tự hào hiện nay.

Đồng thời, đây cũng là dịp để đoàn viên, người lao động, các công đoàn cơ sở giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Từ đó tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.

Sáng 30/9, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã tổ chức Chung khảo Hội thi “Công đoàn Hà Nội - Hành trình xây dựng và phát triển”. 8 đội thi cùng đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) đã tìm hiểu sâu sắc về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; hành trình xây dựng và phát triển của Công đoàn Hà Nội; lịch sử, truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của Thăng Long - Hà Nội; những thành tựu của Thủ đô đạt được trong 70 năm xây dựng, phát triển.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện, hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024), kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024).

Phát biểu khai mạc Hội thi, đồng chí Lê Đình Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết: Hội thi “Công đoàn Hà Nội - Hành trình xây dựng và phát triển”  mang ý nghĩa giáo dục truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, của lịch sử, truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của Thăng Long - Hà Nội; nâng cao kiến thức về pháp luật, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Công đoàn, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn trong việc xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, đồng thời góp phần xây dựng đời sống văn hoá tinh thần cho người lao động, động viên CNVCLĐ tích cực tham gia các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội của từng đơn vị và Thủ đô.

Hội thi được phát động từ tháng 7/2024, sau 3 tháng triển khai, tổ chức thực hiện vòng sơ khảo tại các cụm thi đua LĐLĐ Thành phố đã lựa chọn được 8 đội xuất sắc tham gia chung khảo cấp Thành phố. Ghi nhận từ thực tế, các đơn vị đã tổ chức cuộ thi với nội dung, hình thức phong phú, sáng tạo, hấp dẫn gắn với công tác giáo dục truyền thống, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, góp phần xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.

8 đội thi (mỗi đội có 3 thành viên chính) tham gia chung khảo Hội thi đã thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng của mình bởi sự nhanh nhạy trong xử lý tình huống và trả lời câu hỏi kiến thức, cùng với đó là những những tiết mục văn nghệ đươc đầu tư, dàn dựng công phu đặc sắc, có chất lượng cao. Qua đó thể hiện rõ những phẩm chất tâm - trí - tài của đội ngũ đoàn viên, CNVCLĐ trong thời đại mới.

Phần thi Khởi động bằng hình thức sân khấu hóa (ca múa nhạc, tiểu phẩm, thơ ca hò vè, thuyết trình,…), mỗi đội thi đã tự tin giới thiệu về đội mình, về những nội dung nổi bật trong hoạt động Công đoàn và phong trào CNVCLĐ của mỗi đơn vị, qua đó đã truyền tải thông điệp, sự quyết tâm cao tới Hội thi.

Phần thi Hiểu biết diễn ra khá gay cấn và hồi hộp khi các đội phải trả lời 15 câu hỏi trắc nghiệm và bốc thăm trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo. Nội dung câu hỏi tập trung tìm hiểu về các vấn đề: Truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Hà Nội, giai cấp công nhân Việt Nam, đoàn viên CNVCLĐ; về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn; về lịch sử, truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng của Thăng Long - Hà Nội; về thành tựu của Thủ đô đạt được trong 70 năm xây dựng, phát triển…

Mặc dù nội dung câu hỏi của Ban Giám khảo có kiến thức bao quát, song chỉ trong vòng 3 phút các thí sinh (những cán bộ, đoàn viên Công đoàn) đều có phần trả lời mạch lạc, rõ ràng, thể hiện sự thông minh, nhanh nhạy khi vừa phân tích được lý luận, vừa chia sẻ được những cách làm hay tại thực tế mỗi đơn vị và những phương hướng nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn trong thời gian tới.

Phần thi Cảm xúc bằng hình thức Ca - Múa - Nhạc (đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, đồng ca, hợp xướng, múa và độc tấu, hòa tấu nhạc cụ, tiểu phẩm...) cuốn hút sự chú ý của cả hội trường bởi tài năng của các diễn viên không chuyên nhưng đã biểu diễn nhiều tiết mục rất công phu, độc đáo, nêu bật được chủ đề ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ; ca ngợi Thủ đô Hà Nội, dấu ấn 70 năm Giải phóng Thủ đô, ca ngợi tình yêu cuộc sống, tình yêu trong lao động sản xuất; ca ngợi giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn…

Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã trao giải Đặc biệt cho LĐLĐ quận Tây Hồ; giải Nhì cho LĐLĐ huyện Thanh Oai; giải Nhì cho LĐLĐ thị xã Sơn Tây và LĐLĐ quận Hoàn Kiếm. Các đội thi LĐLĐ huyện Đan Phượng, Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, liên quân cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội đạt giải Ba chung cuộc.

Ngọc Ánh

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao ba giải chuyên đề cho các đội có phần thi Khởi động xuất sắc nhất, phần thi Hiểu biết xuất sắc nhất và phần thi Cảm xúc xuất sắc nhất.

Thông qua Hội thi, LĐLĐ thành phố Hà Nội gửi gắm thông thông điệp của Hội thi đến với mọi người. Bức thông điệp đó là: “Các cấp công đoàn Thủ đô phát huy truyền thống, tiếp tục đổi mới, hướng về cơ sở, xây dựng đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô ngày càng lớn mạnh, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Ngọc Ánh