HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Tổ chức “Phiên tòa giả định” về tội “Đánh bạc”, “Tổ chức đánh bạc” cho toàn thể học sinh tại Trường.THCS Đức Giang
Ngày đăng 19/11/2024 | 10:44  | Lượt xem: 100

Phiên tòa giả định được xem là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả giúp học sinh, sinh viên nhận rõ hành vi vi phạm ảnh hưởng đến xã hội, góp phần nâng cao ý thức pháp luật. Với ý nghĩa đó, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phối hợp với Trường THCS Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội) tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật với mô hình “Phiên tòa giả định” về tội “Đánh bạc”, “Tổ chức đánh bạc” cho toàn thể học sinh tại Trường.

Cảnh Chương trình.
 

Theo luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đoàn Luật sư TP Hà Nội (24/11/1984 - 24/11/2024), Đoàn đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật trong các trường THCS, THPT nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các em học sinh. Việc xây dựng và tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật với mô hình “Phiên tòa giả định” là một trong những mô hình, sáng kiến hay, hiệu quả, thiết thực mà Đoàn đã và đang triển khai trên địa bàn thành phố.

Tại phiên toà giả định sơ thẩm, các bị cáo bị xét xử về tội tội “Đánh bạc”, “Tổ chức đánh bạc”. Phiên toà giả định được xây dựng dựa trên vụ án có thật, các thông tin đã được mã hoá. Phiên toà được xây dựng theo đúng trình tự thủ tục vụ án hình sự với HĐXX, VKS, luật sư. Quá trình diễn biến phiên toà, việc tranh tụng được thực hiện khách quan theo sự điều hành của chủ tọa phiên toà.

Phiên tòa giả định với những đặc điểm chân thật, sinh động, khách quan đã thu hút sự chú ý của các em học sinh. Thông qua phiên tòa giả định sẽ giúp các em học sinh nâng cao nhận thức pháp luật, khả năng kiềm chế hành vi, tự rèn luyện bản thân, có sự hiểu biết và kinh nghiệm nhất định về một phiên tòa xét xử trong thực tế.

Kịch bản chặt chẽ, dễ hiểu, cùng sự nhập vai chân thực đã giúp các học sinh hiểu rõ hơn quy định của pháp luật, cũng như hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và tính nghiêm minh của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật mà phiên tòa giả định đề cập.

“Phiên tòa giả định hay, bổ ích giúp em nhận thấy được các trường hợp thực tế ngoài đời có thể xảy ra để phòng tránh và không gặp phải những tình huống tương tự”, một học sinh cho biết

Ngoài phiên tòa giả định, Ban tổ chức còn lồng ghép việc phổ biến kiến thức pháp luật cho học sinh thông qua hoạt động giao lưu dưới dạng hỏi đáp các câu hỏi về pháp luật liên quan đến những tình huống xảy ra trong thực tiễn đời sống, giúp các em dễ hiểu, nhớ lâu hơn.

Kết thúc phiên tòa giả định, các em học sinh còn được luật sư Đoàn Luật sư TP Hà Nội giao lưu, chia sẻ một số nội dung liên quan đến vụ án, Luật An ninh mạng, các vấn đề thời sự…

Luật sư Hà tin tưởng, hy vọng phiên tòa giả định này sẽ giúp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức pháp luật; đồng thời giáo dục cho mọi người, nhất là học sinh về hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong giới trẻ hiện nay, góp phần xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật.

Việc tổ chức phiên tòa giả định được xem là cách làm thiết thực, mang lại hiệu quả giáo dục đối với mọi người, nhất là đối tượng thanh, thiếu niên và học sinh. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong giới trẻ, góp phần xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, thượng tôn pháp luật

Tình huống vụ án rất phổ biến trong học sinh khiến cho các em có cảm giác như đã từng gặp, từng chứng kiến, thậm chí trải qua ở mức độ nhẹ hơn. Để rồi từ đó đưa các em đến với phiên toà đầy kịch tính với những lời cảnh tỉnh cực kì sâu sắc, mang tính giáo dục cao.

BÌNH LIÊN