HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Quyền xác định lại giới tính và quyền của người chuyển giới nên được tách riêng
Ngày đăng 20/03/2015 | 00:00  | Lượt xem: 176

Quyền xác định lại giới tính và quyền của người chuyển giới nên được tách riêng là ý kiến của đại diện Chi hội Luật gia quận Ba Đình tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi do quận Ba Đình tổ chức  vào ngày 11/3/2015

Là ý kiến của đại diện Chi hội Luật gia quận Ba Đình tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo Bộ Luật Dân sự sửa đổi do quận Ba Đình tổ chức  vào ngày 11/3/2015. Đại biểu cho rằng, việc quy định hai loại quyền xác định giới tính và quyền của người chuyển giới trong một điều luật (Điều 40 của Dự thảo) còn khiên cưỡng. Bản thân quyền “xác định lại giới tính” là dành cho người liên giới (người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính, không thể định hình rõ mang giới tính nào…), còn quyền chuyển giới, phẫu thuật chuyển đổi giới tính là của người chuyển giới (sinh ra có giới tính sinh học rõ rang nhưng có mong muốn, nhu cầu được chuyển đổi giới tính)

Cách dùng từ “xác định lại giới tính” cũng không thực sự chính xác. Người liên giới tính vốn dĩ sinh ra trạng thái và đặc điểm cơ thể như vậy. Một cách gián tiếp điều này đặt ra một quan điểm áp đặt những gì không điển hình nên phải “xác định lại” để trên giống như số đông. Chính vì vậy, đề nghị điều luật chỉ nên dung cụm từ “Quyền xác định giới tính” và chỉ áp dụng cho người liên giới tính.

Khoản 2 Điều 40 của Dự thảo quy định “Người đại diện theo pháp luật chỉ có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên…” nên cân nhắc quy định việc tiến hành phẫu thuật xác định giới tính, không nên áp dụng cho đối tượng dưới 18 tuổi (chưa thành niên). Hãy để cho người đó tự quyết định về giới tính, về bản thân con người mình và chỉ thực hiện khi người đó trưởng thành, được cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan để đưa ra quyết định cho bản thân.

Mặc dù khoản 4 của điều 40 đưa ra hai phương án cũng được xem là có tiến bộ nhưng đề nghị cần dứt khoát hơn bằng cách chọn và làm rõ phương án 2. Theo đó cần ghi nhận quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính của người chuyển giới, xuất phát từ việc không được công nhận quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính như trên, việc thực thi pháp luật tố tụng hình sự đối với người đã phẫu thuật chuyển giới tính cũng gặp khó khăn. Khi tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự (TTHS) cũng như trong quá trình thi hành án hình sự, có một số biện pháp cưỡng chế khi thực hiện cần căn cứ vào giới tính của đối tượng áp dụng như khám người, tạm giữ, tạm giam trong TTHS, thi hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân trong TTHS. Thực tế cho thấy khi áp dụng các biện pháp này đối với người chuyển giới đã có một số khó khăn nhất định và có thể xâm phạm nghiệm trọng danh dự, nhân phẩm và quyền tự do của họ.

Với lý do nêu trên, nên tách riêng điều luật, có thể thiết kế điều luật như sau:

“Điều…: Quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính

1. Quyền phẫu thuật chuyển giới tính được áp dụng cho người chuyển giới (người mong muốn có giới tính khác so với giới tính được sinh ra)

2. Các vấn đề cụ thể về quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính do pháp luật quy định”

Cũng trong Hội nghị, đại diện Tòa án nhân dân quận Ba Đình góp ý về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp dân sự bị vô hiệu. Đại biểu cho rằng, Khoản 2 điều 148 dự thảo quy định “trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết, hoặc phải biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu”.

Theo quy định này thì trong trường hợp tài sản là đối tượng giao dịch đã được đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng do bị chiếm đoạt một cách bất hợp pháp thì quyền lợi của người thứ ba sẽ không được bảo vệ vì theo quy định của pháp luật người thứ ba có nghĩa vụ phải biết tài sản đó chiếm đoạt bất hợp pháp. Dự thảo quy định như vậy là không phù hợp với thực tiễn và vô hình chung nhà nước đẩy trách nhiệm xác minh tính hợp pháp của tài sản cho người thứ ba. Do vậy, nên bỏ quy định “trừ trường hợp người thứ ba biết, hoặc phải biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu” để Dự thảo hoàn thiện hơn và đảm bảo tính khả thi của Dự thảo.

 

Thanh Hương