HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Quy trình thực hiện đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Ngày đăng 16/09/2024 | 13:52  | Lượt xem: 37

Bước 1. Lựa chọn, xác định đối tượng, lĩnh vực, địa bàn để đánh giá thí điểm hoạt động PBGDPL Bước 2. Xây dựng Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL đối với các hoạt động PBGDPL được lựa chọn. Bước 3. Tổ chức đánh giá thí điểm

Bộ Tư pháp vừa ban hành Kế hoạch số 1666/QĐ-BTP ngày 9/9/2024 ban hành Tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đối tượng áp dụng thí điêm gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thí điểm được quy định tại Quyết định số 979/QĐ-TTg, bao gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đồng Nai, Sóc Trăng.

Theo đó, tiêu chí đánh giá gồm tiêu chí chung và tiêu chí cụ thể. Tiêu chí chung gồm nhóm tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động quản lý nhà nước về PBGDPL (Điểm số tối đa là 45 điểm). Việc đánh giá được thực hiện trên cơ sở lượng hóa mức độ hoàn thành trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương; đồng thời có sự phân loại để phù hợp với đặc điểm quản lý nhà nước của trung ương và địa phương.

Đối với bộ, cơ quan ngang bộ, Tiêu chí chung tập trung đánh giá chất lượng triển khai 06 nhóm nhiệm vụ sau: (i) Mức độ hoàn thành trách nhiệm xây dựng Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ hàng năm; (ii) Chất lượng triển khai thực hiện Kế hoạch công tác PBGDPL trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ hàng năm; (iii) Mức độ bảo đảm nguồn nhân lực cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động PBGDPL theo Kế hoạch PBGDPL năm đã được phê duyệt; (iv) Mức độ bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện các hoạt động PBGDPL theo Kế hoạch PBGDPL năm đã được phê duyệt; (v) Mức độ thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL và (vi) Mức độ đáp ứng yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số công tác PBGDPL trong năm công tác.

Đối với địa phương, Tiêu chí chung tập trung đánh giá chất lượng triển khai 07 nhóm nhiệm vụ sau: (i) Mức độ hoàn thành trách nhiệm xây dựng Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; (ii) Mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL/cơ quan, đơn vị trong công tác PBGDPL; (iii) Mức độ bảo đảm nguồn nhân lực cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động PBGDPL theo Kế hoạch PBGDPL năm đã được phê duyệt; (iv) Mức độ bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện các hoạt động PBGDPL theo Kế hoạch PBGDPL năm đã được phê duyệt; (v) Mức độ thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL; (vi) Mức độ đáp ứng yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác PBGDPL và (vii) Mức độ hoàn thành trách nhiệm về xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả về PBGDPL.

Quy trình thực hiện đánh giá thí điểm của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thí điểm gồm 3 bước. Bước 1. Lựa chọn, xác định đối tượng, lĩnh vực, địa bàn để đánh giá thí điểm hoạt động PBGDPL Bước 2. Xây dựng Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL đối với các hoạt động PBGDPL được lựa chọn. Bước 3. Tổ chức đánh giá thí điểm

Đơn vị, địa phương chủ trì việc đánh giá thành lập Tổ đánh giá để tham mưu việc đánh giá. Tổ đánh giá bao gồm đại diện các đơn vị, chuyên gia, người có liên quan tới hoạt động PBGDPL được đánh giá; hoạt động theo cơ chế vụ việc và giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Trong giai đoạn đánh giá thí điểm, Tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Tư pháp cùng cấp cử đại diện tham gia hướng dẫn và hỗ trợ triển khai các hoạt động đánh giá.

Tổ đánh giá có trách nhiệm xây dựng báo cáo đánh giá thí điểm hiệu quả hoạt động PBGDPL (báo cáo đánh giá thí điểm); đồng thời tổng hợp các tài liệu kiểm chứng đối với từng tiêu chí, chỉ tiêu và mức điểm cụ thể. Báo cáo đánh giá thí điểm của Tổ đánh giá sẽ được gửi cho đơn vị, địa phương

Các  bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thí điểm ban hành Tiêu chí riêng trong quý IV năm 2024 và thực hiện việc đánh giá thí điểm hàng năm. Thời điểm bắt đầu và kết thúc việc đánh giá sẽ do các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương thí điểm chủ động xác định trong Kế hoạch tổ chức đánh giá bảo đảm phù hợp, khoa học. Kết quả tổng hợp hoạt động đánh giá gửi về Bộ Tư pháp chậm nhất là 20 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá trong Kế hoạch.

Đối với các Tiêu chí riêng được bổ sung, các nguồn thông tin, tài liệu kiểm chứng do các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương thí điểm chủ động xác định và có thể lấy từ các báo cáo thống kê, báo cáo khảo sát về công tác PBGDPL hoặc các báo cáo, thông tin chính thức có đề cập hoặc liên quan tới nội dung hoạt động PBGDPL để chứng minh cho hiệu quả hoạt động như: Báo cáo về tình hình vi phạm pháp luật, tình hình khiếu nại, tố cáo; Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR index) và các chỉ số khác có liên quan.

Việc tổ chức đánh giá qua phương pháp khảo sát, điều tra xã hội học sẽ được các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương thí điểm linh hoạt thực hiện trước và ngay sau hoạt động PBGDPL hoặc sau một thời gian nhất định tùy thuộc vào tính chất, quy mô của hoạt động PBGDPL được chọn đánh giá.

Mai Hoa