HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Phổ biến các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024.
Ngày đăng 05/09/2024 | 15:36  | Lượt xem: 328

Sáng 5-9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì hội nghị phổ biến các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở tài nguyên và môi trường của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sau khi được thảo luận kỹ lưỡng qua 4 kỳ họp Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó, đã quyết nghị Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 để đưa những nội dung mới mang tính đột phá của Luật sớm đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; trong đó, đã bao quát toàn diện các mặt công tác quản lý đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…

small_20240905_hoi-nghi-pho-bien-luat-dd_6.jpg Hội nghị phổ biến các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho biết, Luật Đất đai 2024 giao Chính phủ quy định chi tiết 96 nội dung, trong đó Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì tham mưu quy định chi tiết 86/96 nội dung, tập trung vào: điều tra cơ bản đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giá đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chế độ sử dụng các loại đất; giám sát, theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai…

Tại hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu các địa phương sớm đưa những nội dung mới của Luật Đất đai, đặc biệt là những quy định mang tính đột phá vào thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất. Luật Đất đai năm 2024 là nền tảng quan trọng để quản lý đất đai hiệu quả, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Luật Đất đai 2024 quy định chi tiết 96 nội dung, trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu Chính phủ 86 nội dung, tập trung vào các lĩnh vực: Điều tra cơ bản đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất...

Để bảo đảm các quy định của Luật Đất đai được thực hiện đồng bộ và nhất quán, Bộ Tài nguyên và Môi trường tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và trình Chính phủ ban hành 4 nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành luật.

Cụ thể: Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất; Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai, đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Bộ cũng đã ban hành 4 thông tư hướng dẫn nhằm đảm bảo thực thi luật trên toàn quốc.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của việc phổ biến, hướng dẫn và triển khai thi hành Luật Đất đai tại địa phương. Ông yêu cầu lãnh đạo sở tài nguyên và môi trường của 63 tỉnh, thành phố chủ động nắm bắt nội dung mới của luật để giải thích rõ ràng, cụ thể cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, cùng với các quy định của Luật, nội dung các nghị định hướng dẫn thi hành đã bao trùm phần lớn các nội dung quản lý nhà nước về đất đai, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất tại địa phương.

Để Hội nghị đạt hiệu quả cao nhất, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị, các đồng chí báo cáo viên trình bày các Nghị định phải bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung; trong đó, tập trung phân tích rõ các nội dung trọng tâm, các điểm mới có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thi hành tại địa phương; Các đại biểu tập trung lắng nghe, theo dõi và thảo luận kỹ lưỡng về các điểm mới, các nội dung còn chưa rõ để đạt được sự thống nhất trong nhận thức, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện trong thực tiễn.

Sau Hội nghị này, các đại biểu sẽ trở thành báo cáo viên tại địa phương của mình, tiếp nối việc phổ biến, tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện thống nhất các quy định của pháp luật đất đai địa phương.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị, các Sở TN&MT căn cứ các quy định của Luật và các Nghị định, Thông tư khẩn trương tham mưu để Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, Thành phố ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, thống nhất, đồng bộ với các Nghị định, Thông tư, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thi hành Luật tại địa phương.

Bên cạnh chỉ đạo của Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Đất đai Đoàn Thị Thanh Mỹ giới thiệu chi tiết Nghị định số 102/2024/NĐ-CP. Các nội dung chính của Nghị định bao gồm: Quy định về phân loại đất, thu hồi đất, hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Nghị định cũng hướng dẫn cụ thể về việc thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích công cộng, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai.

Phó Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai Phạm Ngô Hiếu trình bày Nghị định số 101/2024/NĐ-CP, tập trung vào điều tra cơ bản đất đai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng hệ thống thông tin đất đai hiện đại, minh bạch.

Hội nghị cũng đã gửi phiếu khảo sát đến các đại biểu để thu thập ý kiến về tình hình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật tại địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai luật hiệu quả và thống nhất.

TRÚC LINH