HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Nhìn lại công tác Tư pháp huyện Ba Vì năm 2024
Ngày đăng 18/01/2025 | 20:21  | Lượt xem: 66

Việc thực hiện tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội và triển khai các chương trình công tác, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Năm 2024, công tác Tư pháp huyện Ba Vì đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngay từ đầu năm Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì đã tổ chức các Hội nghị quán triệt, triển khai các Luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua; đồng thời giao Phòng Tư pháp chủ trì tuyên truyền, phổ biến đến các xã, thị trấn và người dân trên địa bàn huyện như Luật Đất đai; Luật Thủ đô; Các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Quyết định của Thành phố Hà Nội hướng dẫn Luật đất đai; v.v.. Các phòng, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch và văn bản chỉ đạo của UBND huyện, của Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện kịp thời ban hành các Kế hoạch, các văn bản và tổ chức triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được xác định là nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa quan trọng trong việc thi hành pháp luật.

 

Việc thực hiện tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội và triển khai các chương trình công tác, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Từ những những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trên địa bàn huyện; nâng cao hiểu biết pháp luật của cán bộ, công chức; giáo dục, răn đe và giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật.  Trên cơ sơ Kế hoạch của UBND huyện Ba Vì, các phòng, ban, ngành, đoàn thể, UBND xã thị trấn trên địa bàn huyện chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về các Luật, Nghị quyết của Quốc hội mới thông qua, các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành năm 2023, năm 2024 như: Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật đất đai năm 2024; Luật nhà ở (sửa đổi); Luật căn cước công dân; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)….phổ biến chính sách mới thực hiện nhiệm vụ chính trị; phát triển kinh tế - xã hội; triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; kỷ cương hành chính, chuyển đổi số cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến truyền thông dự thảo chính sách tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong năm 2024, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Ba Vì đã phối hợp với Tòa án nhân dân huyện Ba Vì tổ chức một số phiên tòa lưu động để nhân dân đến dự và theo dõi, điển hình như vụ án Gây rối trật tự công cộng với 53 bị cáo mà phần lớn là người chưa đủ 18 tuổi gây ra trên địa bàn huyện, diễn ra tại Nhà thi đấu thể thao trong vòng 04 ngày. Qua đó, không chỉ phổ biến quy định pháp luật mà còn có tính răn đe, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật.

Công an huyện Ba Vì đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho 312 lượt đối tượng bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án. Gặp mặt, phổ biến các quy định, nghĩa vụ, quyền hạn của người chấp hành án đối với 516 lượt đối tượng chấp hành án đang cư trú trên địa bàn huyện.

Việc tuyên truyền cho công tác giảm nghèo, các chế độ, chính sách cho người thuộc đối tượng chính sách, công tác lao động được Phòng Lao động Thương binh & Xã hội tổ chức triển khai đầy đủ, toàn diện: Phối hợp với Sở Lao động thương binh & Xã hội, Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện, 31 xã, thị trấn tổ chức 03 hội nghị về công tác giảm nghèo để triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo năm 2024; tổ chức 01 hội nghị hơn 200 đại biểu tuyên truyền sâu rộng đến người dân về kế hoạch xây, sửa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ nghèo trên địa bàn, tuyên truyền, triển khai giải pháp giúp hộ nghèo thoát nghèo. Kết quả: Hỗ trợ 214 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở và 56 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh; cuối năm 2024 trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo; phối hợp với Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tổ chức 4 lớp tập huấn về mua bán người cho 600 người dân tại xã Phú Châu, Phú Cường, Cổ Đô và thị trấn Tây Đằng; in và treo gần 600 khẩu hiệu tại 35 điểm hưởng ứng tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và tháng công nhân năm 2024.

Việc tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn huyện Ba Vì được Hội liên hiệp huyện Ba Vì triển khai tuyên truyền các quy định về phòng chống tệ nạn xã hội, quy định về bình đẳng giới, các quy định về Luật dân sự, hôn nhân và gia đình ... tới 59.610 hội viên, phụ nữ. Phối hợp tổ chức 98 buổi tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 7.203 phụ nữ; tổ chức 02 buổi truyền thông, tư vấn hỗ trợ phụ nữ di cư an toàn, phòng ngừa mua bán người cho 350 cán bộ hội viên phụ nữ; 32 buổi trợ giúp pháp lý về luật đất đai, hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng cho 2.500 phụ nữ; hỗ trợ 04 trường hợp là nạn nhân mua bán người chở về địa phương. Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn huyện Ba Vì năm 2024”; Hội LHPN huyện đã  tổ chức 07 lớp tập huấn kỹ năng lồng ghép giới trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; quy trình xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại - trẻ em cho cán bộ nữ lãnh đạo các xã dân tộc thiểu số và miền núi huyện Ba Vì cho 944 đại biểu là nữ cán bộ 7 xã miền núi của huyện; Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức 6 lớp tập huấn kiến thức kỹ năng cho thành viên địa chỉ tin cậy tại cộng cộng, kỹ năng tuyên truyền cho các thành viên tổ truyền thông cộng đồng, kiến thức Bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, người có uy tín tại cộng đồng vời 340 người tham gia; tổ chức 37 buổi tuyên truyền pháp luật về Luật an ninh mạng, Luật giao dịch điện tử cho 1.531 lượt người tham gia.

* Công tác PBGDPL trong trường học

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, thanh thiếu niên nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng ứng xử pháp luật trong đời sống, xây dựng lối sống “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, văn hóa pháp lý cho thanh thiếu niên trên địa bàn huyện, xây dựng đội ngũ thanh thiếu niên Huyện thành lực lượng tiêu biểu về tuân thủ chấp hành và bảo vệ pháp luật.

Nâng cao hành động, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội, các ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu niên; gắn giáo dục pháp luật với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên.

Chính vì vậy, công tác phổ biến giáo dục trong nhà trường được UBND huyện và ngành giáo dục quan tâm triển khai ở các cấp học, nội dung trọng tâm tập trung phổ biến các quy định pháp luật về an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, chống đuối nước, phòng chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, Luật giáo dục, Luật trẻ em, Luật an ninh mạng…

Thực hiện Kế hoạch số 323/KH-UBND của UBND huyện Ba Vì ngày 15/8/2024 về việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, học sinh về an toàn giao thông, phòng chống vi phạm pháp luật trong học sinh và thanh thiếu niên trên địa bàn huyện Ba Vì; Kế hoạch số 378/KH-HU ngày 22/3/2024 về việc tuyên truyền đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn huyện Ba Vì năm 2024; Kế hoạch số 204/KH-BATGT ngày 17/4/2024 về việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn huyện Ba Vì năm 2024; Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 01/3/2024 về thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn thương tích và chương trình dạy bơi, phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2024, UBND huyện Ba Vì đã tổ chức thành công cuộc thi an toàn giao thông cho nụ cười ngày mai với 65 bài thi dự thi cấp huyện (trong đó có 01 bài thi của Giáo viên đạt giải nhất toàn quốc); tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho học sinh tại các trường THCS, THPT trên địa bàn cho cho 1200 lượt cán bộ giáo viên và trên 31.423 học sinh tham gia; Xây dựng 09 bài tuyên truyền về Luật giao thông đường bộ, 01 tuyên truyền về công tác đăng ký phương tiện gửi Đài truyền thanh huyện và xã, thị trấn; tổ chức 25 lớp dạy bơi với 5.220 trẻ em được học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Ngay sau khi Luật đất đai được thông qua, UBND huyện Ba Vì đã ban hành Kế hoạch số 321/KH-UBND của UBND huyện Ba Vì ngày 14/8/2024 về việc triển khai thi hành Luật đất đai năm 2024; Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 23/8/2024 của UBND huyện Ba Vì về việc tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành trên địa bàn huyện Ba Vì năm 2024; văn bản 2969/UBND-TP của UBND huyện Ba Vì 18/09/2024 về việc quán triệt, tập huấn, tuyên truyền Luật đất đai để triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đất đai cho người dân trên địa bàn huyện, kết quả: đã tổ chức 48 hội nghị với hơn 7433 đại biểu tham dự. Trên cơ sở của kế hoạch, huyện Ba Vì đã tổ chức 09 hội nghị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở cho các đồng chí trong Ban chỉ đạo thực hiện dân chủ của huyện, lãnh đạo các phòng, ban, ngành, lãnh đạo các xã, thị trấn và hiệu trưởng các trường học, nhân dân trên địa bàn huyện; cho hơn 2250 lượt đại biểu tham dự, đồng thời Phòng Tư pháp cũng đã cấp phát hơn 2000 sách Luật thực hiện dân chủ ở sở, 16.500 tờ gấp “Thực hiện dân chủ ở xã phường, thị trấn” cho đại biểu tham dự Hội nghị và UBND các xã, thị trấn.

Năm 2024 hưởng ứng tham gia cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, huyện Ba Vì đã xây dựng kế hoạch, văn bản triển khai, tuyên truyền tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn huyện, kết quả cuộc thi trực tuyến đã thu hút hơn 10.000 lượt người tham dự, đội thi tham gia hội thi sân khấu hóa hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu Luật dân chủ cơ sở đạt giải nhìn cấp cụm thành phố. 

Kiểm tra việc triển khai, quán triệt chỉ đạo, thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, huyện Ba Vì đã thành lập các Đoàn kiểm tra kiểm công tác triển khai, thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với một số cơ quan, đơn vị, một số trường Tiểu học, THCS và trường Mầm non. Qua kiểm tra, các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 

Thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”, Kế hoạch số 215/KH-UBND ngày 17/07/2024 của UBND thành phố, UBND huyện Ba Vì đã bàn hành  Kế hoạch số 362/KH-UBND ngày 17/9/2024 của UBND huyện Ba Vì về việc thực hiện Đề án  Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” trên địa bàn huyện Ba Vì. Đã triển khai sâu rộng Quyết định số 1143/QĐ-BTP ngày 20/6/2024 của Bộ Tư pháp về ban hành Hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu ”tiếp cận pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới và đo thị văn minh đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Nguồn lực kinh phí triển khai hoạt động PBGDPL ở các cấp; kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở: Đã huy động được nguồn nhân lực xã hội hóa (các Chi hội luật gia tại các xã, thị trấn); Kinh phí bố trí triển khai công tác tiếp cận pháp luật của huyện Ba Vì được UBND huyện bố trí nguồn ngân sách cấp huyện để triển khai, tuy nhiên chưa huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa để triển khai công tác này.

Năm 2025, công tác Tư pháp huyện Ba Vì sẽ tập trung vào việc kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật theo hướng chất lượng, hiệu quả và tham gia trực tiếp, tích cực vào công tác phổ biến giáo dục pháp luật của địa phương. Tăng cường trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, các phòng, ngành liên quan, các Nhà trường, cơ sở giáo dục về công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Tăng cường sự phối hợp của các thành viên Hội đồng phối hợp giáo dục pháp luật huyện Ba Vì về công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp. Các cấp ủy, chính quyền cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc và toàn diện về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó xác định được phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở. Phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

Củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên; chuẩn hóa các tiêu chuẩn, điều kiện để được công nhận là hòa giải viên; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải; tạo điều kiện cho hòa giải viên giao lưu, học hỏi kỹ năng hòa giải thông qua các hoạt động như thi hòa giải viên giỏi, học hỏi kinh nghiệm. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải trong đó có kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ hoà giải viên. Hướng dẫn, đôn đốc UBND các xã, thị trấn, các phòng, ban, ngành hoàn thiện việc chấm điểm xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

           Hồng Đạt