HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
Tại hội thảo góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi do Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức ngày 24/3/2015, Luật sư Vũ Viết Vạn Xuân- Văn phòng Luật sư Đức Quang cho rằng Dự thảo Bộ Luật dân sự cần quy định chi tiết hơn để nhận diện về người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.
Tại hội thảo góp ý Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi do Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức ngày 24/3/2015, Luật sư Vũ Viết Vạn Xuân- Văn phòng Luật sư Đức Quang cho rằng Dự thảo Bộ Luật dân sự cần quy định chi tiết hơn để nhận diện về người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.
Khoản 1 Điều 29 Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi quy định : “ Người do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình những chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của họ, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, tổ chức y tế có thẩm quyền xác nhận người đó là có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”. Theo quy định trên, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người gặp những khuyết tật nhất định về mặt thể chất hoặc có những vấn đề về mặt tinh thần tác động trực tiếp đến việc biểu đạt ý chí chính xác của họ ra bên ngoài. Những người này không rơi vào tình trạng “mất hoàn toàn khả năng nhận thức, làm chủ hành vi”, họ thường tập trung vào nhóm người cao tuổi. Theo quy định tại Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009 thì người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên.
Hầu hết những người cao tuổi do hệ thần kinh trung ương bị lão hóa dần dần làm cho trí nhớ kém, hay quên, cá biệt mắc một số bệnh như Parkinton hoặc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, không phải tất cả người cao tuổi đều gặp tình trạng khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Ngược lại có những người rất cao tuổi nhưng họ vẫn sáng suốt, minh mẫn nên việc kết luận một cá nhân là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải dựa trên kết luận của tổ chức y tế có thẩm quyền. Nhóm người này được quyền tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự theo quy định của luật hoặc quyết định của Tòa án phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật (khoản 2 Điều 29 Dự thảo).
Quy định trên đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trên thực tiễn đặc biệt là trong vấn đề xác lập, thực hiện các hợp đồng. Tuy nhiên, việc quy định có người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong Dự thảo Bộ Luật dân sự không quy định chi tiết thì rất khó xác định “người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi”.
Liên quan đến vấn đề giám hộ, qui định tại Khoản 2 Điều 58 Dự thảo Bộ Luật dân sự sửa đổi quy định: “ Trường hợp việc giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được thực hiện theo yêu cầu của họ, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan thì việc giám hộ phải có sự đồng ý của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm có yêu cầu”. Luật sư Xuân cũng cho rằng quy định này không hợp lý bởi nhiều người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có tâm lý chung là họ hoàn toàn bình thường, không gặp bất kỳ trở ngại gì với tình trạng hiện tại của họ, nếu có thì đó cũng chỉ là một vài bất tiện không đáng kể. Nếu quy định như trên thì trên thực tế hầu hết những người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi sẽ từ chối việc giám hộ mặc dù bản thân họ gặp khó khăn thực sự trong nhận thức, biểu đạt ý chí. Ông đánh giá, Dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là điểm tiến bộ vượt bậc so với những Bộ Luật dân sự 1995, Bộ Luật dân sự năm 2005 nhưng vì đây là điểm mới nên chắc chắn những quy định trong Dự thảo khó tránh khỏi một vài hạn chế nhất định. Những điểm còn có ý kiến khác nhau liên quan đến người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cần được xem xét cẩn trọng, thấu đáo trước khi ban hành.
Thanh Tú
thông báo
- Tăng cường tuyên truyền pháp luật về một số mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ từ ngày 01/01/2025
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô đã được ban hành
- Truyền thông, phổ biến các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8; Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật dịp Tết Ất Tỵ 2025 và một số vấn đề dư luận quan tâm