HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
Từ thành công của Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thực hiện thí điểm cấp phiếu LLTP qua VNeID kể từ ngày 01/10/2024 đến hết ngày 30/6/2025, mở rộng trong phạm vi cả nước.
Chiều ngày 3/01/2025, tại Sở Tư pháp Hà Nội đã thực hiện tổng kết đánh giá kết quả công tác tư pháp năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2025. Theo Báo cáo, trong năm 2024, thực hiện chủ đề công tác năm 2024 của Thành phố: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội để thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, công tác Tư pháp Thủ đô tiếp tục bám sát Chương trình công tác của Bộ Tư pháp, kế hoạch kinh tế - xã hội của Thành phố, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, chương trình để triển khai công tác Tư pháp trên các lĩnh vực nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác Tư pháp từ Thành phố đến cơ sở; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đảm bảo trật tự an toàn, an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Năm 2024, Ngành tư pháp đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành Thành phố tham mưu cho Thành phố phối hợp với Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban pháp luật Quốc hội để hoàn thiện, trình ban hành Luật Thủ đô. Sau khi Luật Thủ đô được ban hành, ngành Tư pháp tham mưu Thành phố đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Thủ đô qua công tác tuyên truyền Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành và tiếp tục tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và các sở, ngành Thành phố tham mưu Thành phố cụ thể hoá các nội dung được Luật giao thực hiện trong Luật Thủ đô và tổ chức thẩm định, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Ngành tư pháp đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp được chú trọng, đặc biệt là thực hiện thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) và số hoá hộ tịch.Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện miễn phí cung cấp thông tin LLTP qua Ứng dụng VNeID trong thời gian từ ngày 01/6/2024 đến hết ngày 30/6/2025. Từ khi thực hiện thí điểm đến nay, người dân trên địa bàn Thành phố đã chủ yếu lựa chọn yêu cầu cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng VneiD, tỷ lệ hồ sơ qua VneID chiếm trên 80% tổng số hồ sơ tiếp nhận Từ thành công của Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thực hiện thí điểm cấp phiếu LLTP qua VNeID kể từ ngày 01/10/2024 đến hết ngày 30/6/2025, mở rộng trong phạm vi cả nước.
Công tác xây dựng, thẩm định; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được triển khai đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và đạt nhiếu kết quả nổi bật.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật, ngành tư pháp tiếp tục tham mưu Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật mới cho người dân trên địa bàn Thành phố như Luật Thủ đô, Luật Đất đai, Luật Thực hiên dân chủ ở cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, qua cơ cơ báo đài Thành phố, qua Cổng/Trang thông tin điện tử, qua nền tảng số ứng dụng số App iHaNoi, tin nhắn zalo, trang thông tin điện tử: www.hanoionline.vn; ứng dụng OTT HanoiON, mạng xã hội Youtube, Facebook, Tiktok- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền qua Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật của Thành phố; Tích cực hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam với nhiều hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, thực hiện mô hình chỉ đạo điểm tuyên truyền hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam trong ngành giáo dục tại trường THCS quận Thanh Xuân có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo; tổ chức mô hình “Phiên toà giả định” cho đối tượng học sinh. Lần đầu tiên, phối hợp với Hội người mù Thành phố tổ chức cuộc thi dành riêng cho người yếu thế: Cuộc thi “Tuyên truyền viên pháp luật giỏi cho người khiếm thị trên địa bàn thành phố Hà Nội; Xây dựng và phát hành 05 đầu sách điện tử dưới hình thức sách nói và sách nói kết hợp video tuyên truyền
Công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở tiếp tục được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Năm 2024, thực hiện tiếp nhận tổng số 2.456 vụ việc hòa giải (giảm 0,2% số vụ việc so với cùng kỳ năm 2023), đã tiến hành hòa giải thành 2.153 vụ việc (đạt tỷ lệ 89.26%), 44 vụ việc đang tiến hành hòa giải. Toàn Thành phố công nhận được 4.053 “Tổ hoà giải 5 tốt” (tăng 947 Tổ so với cùng kỳ năm 2023).
Công tác về quản lý nhà nước về bổ trợ tư: Luật sư, công chứng, thừa phát lại, đấu giá tài sản,… trên địa bàn Thành phố tiếp tục được duy trì
Công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực được tăng cường, giải quyết kịp thời các yêu cầu của người dân. Thành phố tiếp tục thực hiện việc Chủ tịch UBND phường ủy quyền ký chứng thực cho công chức Tư pháp – Hộ tịch phường và mở rộng địa bàn thực hiện tại UBND xã, thị trấn từ ngày 1/1/2025.
Công tác trợ giúp pháp lý nhà nước tiếp tục được tăng cường và đẩy mạnh. Năm 2024, thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự cho các đối tượng chính sách và dễ bị tổn thương là 4.121 vụ việc (tăng 246 vụ so với năm 2023). Chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được đánh giá tham gia tố tụng thành công, hiệu quả là 1281 vụ việc (tăng 324 vụ việc so với cùng kỳ năm 2023). Tư vấn trực tiếp cho 3.055 lượt người với 3.055 việc thuộc các lĩnh vực pháp luật khác nhau.
Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân; xử lý đơn và phòng, chống tham nhũng được tăng cường. Năm 2024, Sở Tư pháp đã thực hiện 11 cuộc thanh tra tại 30 đơn vị, tăng gấp 02 lần số đơn vị được thanh tra so với năm 2023. Kết quả đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 1,6 tỷ đồng (tăng trên 6 lần so với năm 2023), tước thẻ có thời hạn đối với 05 công chứng viên, đình chỉ hoạt động chứng thực bản sao 06 tháng đối với 01 Văn phòng công chứng, đình chỉ hoạt động 02 tháng đối với 01 Văn phòng Thừa phát lại.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác tư pháp Thủ đô còn hạn chế như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của một số sở ngành, đơn vị còn chưa bảo đảm tiến độ; tổ chức nhân sự làm công tác pháp chế ở một số sở, ngành chưa được quan tâm đúng mức. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp còn một số bất cập. Công tác số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu hộ tịch của một số đơn vị triển khai còn chậm. Hoạt động của một số tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp chưa tuân thủ quy định pháp luật.
Năm 2025, ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tăng cường thực hiện đồng bộ, toàn diện công tác cải cách hành chính gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực tư pháp; tích cực tham mưu triển khai thi hành Luật Thủ đô và văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế ngành Tư pháp, đội ngũ công chức làm công tác pháp chế theo quy định gắn với việc triển khai công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Tư pháp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đi đôi với thực hiện tốt phong trào thi đua trong ngành Tư pháp.
PBGDPL
thông báo
- Tài liệu Hội nghị triển khai công tác tư pháp trên địa bàn Thành phố năm 2025
- Thành phố Hà Nội tiếp tục hỗ trợ mức phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID đến hết ngày 30/6/2025
- Kế hoạch Phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2025