HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Lấy ý kiến kiến hoàn thiện dự thảo liên quan đến hành vi công bố thông tin sai sự thật
Ngày đăng 17/01/2015 | 00:00  | Lượt xem: 202

Bộ Tư pháp vừa tổ chức hội nghị về lấy ý kiến kiến hoàn thiện dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật”.

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp vừa chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế… lấy ý kiến kiến hoàn thiện dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật”. Sau lần lấy ý kiến này, Bộ Tư pháp sẽ gửi tờ trình lên Chính phủ.

Báo chí tác nghiệp tại tòa. Ảnh: TNO

Báo chí tác nghiệp tại tòa. Ảnh: TNO

Để thực hiện việc sửa đổi những bất cập trong các nghị định xử phạt hành chính liên quan đến hành vi đăng, phát, cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật, Theo thông tin của Bộ Tư pháp, dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định khác gồm 10 điều có những nội dung chính sau:

 Thứ nhất, các hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng (do cơ quan báo chí, nhà báo thực hiện) được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước như lĩnh vực thống kê (Nghị định số 79/2013/NĐ-CP); lĩnh vực quản lý giá (Nghị định số 109/2013/NĐ-CP); lĩnh vực dạy nghề (Nghị định số 148/2013/NĐ-CP); lĩnh vực y tế (Nghị định số 176/2013/NĐ-CP) được rà soát để quy định thống nhất tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí (Nghị định 159/2013/NĐ-CP). Xử phạt các hành vi vi phạm này sẽ do cơ quan quản lý nhà nước về báo chí thực hiện. Mức phạt đối với các hành vi này được giữ nguyên mức phạt tại các nghị định xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

 Thứ 2, đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật được quy định tại nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác, thì thực hiện sửa đổi, bổ sung theo hướng mô tả rõ hơn hành vi như cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật tại các nghị định cụ thể. Đối tượng bị xử phạt đối với các hành vi vi phạm nêu trên là cá nhân, tổ chức, cơ quan khác (không bao gồm cơ quan báo chí và nhà báo) và do các cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Dự thảo tờ trình cũng xin ý kiến Chính phủ, trong quá trình xây dựng Nghị định, đa số các Bộ, ngành đồng ý với nội dung cơ bản của dự thảo.

 Tuy nhiên, qua nhiều lần bàn bạc, hiện nay vẫn còn có một vấn đề có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến của Chính phủ, cụ thể là việc có cần thiết bổ sung Điều 8a sau Điều 8 trong Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản (Điều 7 của dự thảo Nghị định) hay không?

Điều 8 Nghị định 159/2013 quy định xử phạt từ 200.000 đồng đến 100 triệu đồng nếu vi phạm về nội dung thông tin (không viện dẫn nguồn tin khi đăng trên báo chí, đăng các tác phẩm đã cấm lưu hành…). Điều 8a bổ sung trong dự thảo dự kiến sẽ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát sai lệch các thông tin thống kê đã được cơ quan có thẩm quyền công bố. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 75 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường…

Trong khi đó, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng cần bổ sung Điều 8a vì quy định hiện hành chưa phản ánh đúng bản chất của hành vi vi phạm trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước đặc thù như lĩnh vực thống kê, giáo dục, quản lý giá, năng lượng nguyên tử. Đại diện Bộ Tư pháp cho biết đối với một số điểm chưa nhận được đồng thuận sẽ có tờ trình xin ý kiến Chính phủ để cho ý kiến cuối cùng.

Thanh Lam