HOẠT ĐỘNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Kế hoạch rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của Hà Nội
Ngày đăng 07/01/2025 | 08:35  | Lượt xem: 69

Tạm thời giữ nguyên số biên chế công chức, viên chức đã giao cho các cơ quan, đơn vị năm 2025. Năm 2026, Thành phố thực hiện cắt giảm 5% biên chế để đảm bảo chỉ tiêu tinh giảm theo yêu cầu của Bộ Chính trị.

UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 02/01/2025 rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập khối chính quyền thành phố Hà Nội. Mục đích thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn, tổ chức  hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố; các phòng chuyên  môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu  quả; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh,  công khai, minh bạch phục vụ Nhân dân; bảo đảm sự quản lý thông suốt từ Thành  phố đến địa phương và phù hợp với yếu tố đặc thù của Thủ đô. 

Việc kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện đúng định hướng, yêu  cầu chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo Thành ủy, Ban Thường  vụ Thành ủy. Việc triển khai phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, bảo  đảm tính thống nhất, khoa học, tổng thể và bao quát, khắc phục triệt để sự giao  thoa, cắt khúc công việc, bỏ sót nhiệm vụ.

Làm tốt công tác tuyên truyền, công tác chính trị, tư tưởng; tạo sự đồng  thuận, thống nhất trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi  thực hiện việc sắp xếp. đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất  là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong thực hiện.

Đối với các Sở thuộc diện sắp xếp, hợp nhất: 

- Về tên gọi đơn vị mới: thực hiện theo định hướng tên gọi các Bộ ngành của  Trung ương tương ứng. 

- Về chức năng, nhiệm vụ: Trước mắt tiếp nhận nguyên trạng chức năng,  nhiệm vụ của các đơn vị trước hợp nhất (các Sở có tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của đơn vị dự kiến giải thể thì bổ sung chức năng, nhiệm vụ của đơn vị giải thể). Thực hiện quy định lại chức năng, nhiệm vụ sau khi Trung ương ban hành quy  định về chức năng, nhiệm vụ của Sở mới.

- Về cơ cấu tổ chức: 

+ Hợp nhất, sáp nhập các phòng trùng lắp chức năng, nhiệm vụ (Văn phòng,  Tổ chức - Cán bộ, Thanh tra, Kế hoạch - Tài chính). Chỉ duy trì phòng Tổ chức – Cán bộ; Kế hoạch – Tài chính đối với những Sở có số lượng đầu mối đơn vị trực  thuộc và số lượng công chức, viên chức lớn.  

+ Đối với các phòng chuyên môn: Thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ trên  cơ sở tiếp nhận nguyên trạng để sắp sếp theo nguyên tắc không bỏ sót, không trùng  lặp, giao thoa chức năng, nhiệm vụ; thực hiện phòng quản lý đa nhiệm vụ, đa lĩnh  vực và đảm bảo điều kiện, tiêu chí thành lập phòng theo quy định. Phấn đấu giảm  khoảng 15% đầu mối tổ chức bên trong sau sắp xếp. 

- Về nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất: Tiếp nhận nguyên trạng của các đơn vị trước hợp nhất. Đối với chức danh lãnh đạo phòng, sau khi có quyết định thành lập  đơn vị mới, tập thể lãnh đạo sở mới xem xét, quyết định theo thẩm quyền. 

Đối với các Sở ngành thuộc diện bàn giao, tiếp nhận toàn bộ hoặc một phần, chức năng, nhiệm vụ. 

Thực hiện rà soát chuyển và tiếp nhận toàn bộ hoặc bộ phận chuyên môn theo vị trí việc làm tương ứng với chức năng, nhiệm vụ; chuyển và tiếp nhận toàn bộ hoặc một phần các bộ phận hỗ trợ, dùng chung tương ứng với khối lượng nhiệm vụ chuyên  môn điều chuyển (bao gồm nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất) đảm bảo theo nguyên  tắc không bỏ sót, không trùng lặp, giao thoa chức năng, nhiệm vụ; thực hiện phòng  quản lý đa nhiệm vụ, đa lĩnh vực và đảm bảo điều kiện, tiêu chí thành lập phòng theo  quy định. Phấn đấu giảm khoảng 15% đầu mối tổ chức bên trong sau sắp xếp. 

Đối với các Sở ngành không thuộc diện sắp xếp, hợp nhất : Thực hiện rà soát chức năng, nhiệm vụ các phòng, đơn vị trực thuộc bảo đảm  nguyên tắc khắc phục triệt để sự giao thoa, cắt khúc công việc, bỏ sót nhiệm vụ;  thực hiện phòng quản lý đa nhiệm vụ, đa lĩnh vực; giảm khoảng 15% đầu mối tổ chức bên trong. 

Đối với tổ chức hành chính trực thuộc các sở (Chi cục và tương đương): Giải thể các Chi cục thuộc diện sắp xếp và tổ chức lại thành Phòng chuyên  môn thuộc Sở theo nguyên tắc tinh gọn, cắt giảm tầng nấc trung gian, hoạt động  không hiệu quả. 

Đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện: Thực hiện hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã bảo đảm theo định hướng của Trung ương và chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy. 

 Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Tiếp tục thu gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng sáp nhập, hợp nhất các đơn vị theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW, quy định của  Chính phủ, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND Thành phố. 

- Tiến hành rà soát sắp xếp theo hướng chỉ giữ lại các đơn vị phục vụ nhiệm  vụ chính trị và các đơn vị gắn với chức năng, nhiệm vụ của sở, ngành đáp ứng đầy  đủ các tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định, phù hợp với quy hoạch mạng  lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực. 

 Về biên chế, số lượng người làm việc:

- Tạm thời giữ nguyên số biên chế công chức, viên chức đã giao cho các cơ  quan, đơn vị năm 2025. Số lượng biên chế của các cơ quan, địa phương, đơn vị mới được bố trí tối đa theo số biên chế được giao cho các cơ quan đơn vị cũ trước  khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất.  

- Sau khi kiện toàn, sắp xếp xong; các cơ quan, đơn vị xây dựng đề án vị trí  việc làm, xác định rõ biên chế chính thức cần có và phương án giảm biên chế theo  quy định của Trung ương. Thực hiện rà soát, giảm biên chế đối với các bộ phận  dùng chung sau khi sáp nhập, hợp nhất theo lộ trình.  

- Năm 2026, Thành phố thực hiện cắt giảm 5% biên chế để đảm bảo chỉ tiêu  tinh giảm theo yêu cầu của Bộ Chính trị. 

Tại Kế hoạch, nêu rõ dự kiến phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy:

- Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính để thành lập Sở Kinh tế - Tài chính và tổ chức sắp xếp phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp. 

- Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển  nông thôn để thành lập Sở Nông nghiệp và Môi trường và tổ chức sắp xếp phòng  chuyên môn, đơn vị sự nghiệp. 

- Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ để thành lập Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông và tổ chức sắp xếp phòng  chuyên môn, đơn vị sự nghiệp. 

- Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ để thành  lập Sở Nội vụ và Lao động và tổ chức sắp xếp phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, trong đó: 

+ Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao  cho Sở Nội vụ và tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, tiền  lương và việc làm trong khu vực doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao  động; người có công; bình đẳng giới từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.  

+ Chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở Giáo  dục và Đào tạo. 

+ Chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống  tệ nạn xã hội sang Sở Y tế.  

+  Chuyển chức năng quản lý nhà nước về xóa đói giảm nghèo sang Ban Dân  tộc - Tôn giáo.

- Hợp nhất Sở Ngoại vụ và Văn phòng UBND Thành phố; chuyển chức năng,  nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của Sở Ngoại vụ về trực thuộc Văn phòng  UBND Thành phố; thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong cho phù hợp. 

- Hợp nhất Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất và Ban Quản lý  khu công nghệ cao Hòa Lạc để thành lập Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu  công nghiệp Thành phố và tổ chức sắp xếp phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp. 

- Đối với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Xây dựng: Căn cứ kết luận của  Ban Chỉ đạo Trung ương về việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và quyết định  của cấp có thẩm quyền để thực hiện rà soát, sắp xếp. 

Mai Hoa